Thứ Tư, 24/04/2024 21:05:42 GMT+7

Tin đăng lúc 19-02-2016

Lượt xem: 4524

Ngọt lành cam Vinh

Xứ Nghệ từ lâu đã nổi tiếng với những món quà đặc sản. Hình ảnh những trái cam vàng óng, đậm đà, mang hương vị của vùng đất Xứ Nghệ đã thấm vào lòng những người con đất Việt…
Ngọt lành cam Vinh
Tại trang trại Cam Thiên Sơn - Yên Thành (Nghệ An)

Cam Vinh - sản phẩm nổi tiếng xứ Nghệ

 

Cây cam được định hướng là cây chủ lực của tỉnh Nghệ An, với diện tích hiện có 3.425 ha, trong đó diện tích kinh doanh 1.867 ha. Cam được trồng ở Quỳ Hợp: 1.642 ha, Nghĩa Đàn 425 ha, Thanh Chương 303 ha, Yên Thành 228 ha, Con Cuông 137 ha, Nam Đàn 162 ha, Anh Sơn 105 ha và rải rác ở Hưng Nguyên, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Nghi Lộc. Hiện nay, năng suất cam toàn tỉnh bình quân đạt 120 - 150 tạ/ha, sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Nghệ An đã xây dựng được thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”, thị trường tiêu thụ khá tốt. Cam có thể cho thu nhập cao từ 1.500 - 2.000 triệu đồng/ha/năm, là cây có thể làm giàu, đem lại thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” có 3 giống: Cam Xã Đoài, cam Sông Con và cam Vân Du. Do đặc điểm về giống, khí hậu, thổ nhưỡng mà cam Vinh có những đặc trưng hoàn toàn khác biệt, dễ dàng phân biệt với các loại cam khác. Quả cam Sông Con hình cầu hoặc ô-van, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, bóng, ít xơ bã, hạt, vị ngọt thanh và chín sớm, khi chín có màu vàng đỏ. Cam Vân Du quả hình trứng, vỏ dày hơn, ruột to, nhiều hạt, mọng nước và vị ngọt, khi chín quả có màu vàng. Cam Xã Đoài có 2 loại: Hình quả nhót hoặc hình bầu tròn, chín muộn vào dịp Tết Nguyên đán, khi chín ruột màu đỏ vàng, mọng nước, có hương thơm dịu và vị ngọt đậm. Giống cam này được trồng tại vùng Xã Đoài (gồm các xã Hưng Trung, Nghi Diên, Nghi Hoa thuộc ranh giới 2 huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc) và vùng Phủ Quỳ (huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp).

 

Theo những người trồng cam nơi đây kể lại, những năm 60 của thế kỷ trước, huyện Tân Kỳ có Nông trường Sông Con và Nông trường An Ngãi chuyên trồng cam với diện tích khoảng 400 ha. Và một giai đoạn diện tích cam trên địa bàn huyện gần như bị xóa sổ, nhường chỗ cho cây cao su. Sau hàng chục năm “vắng bóng”, gần đây, một số hộ dân ở các xã Tân An, Tân Phú, Tân Long, Đồng Văn… mạnh dạn đầu tư trồng cam, quýt cho thu nhập cao. Hiệu quả từ cây trồng có múi trở thành tiền đề để UBND huyện xây dựng đề án khôi phục và phát triển cây cam thương phẩm. Những năm gần đây, không riêng vùng Tân Kỳ trồng cam mà các huyện vùng Tây Bắc Nghệ An, vùng Quỳ Hợp, Yên Thành… ngày càng phát triển cả về diện tích cũng như trình độ thâm canh, qua đó hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn. Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi và hiệu quả kinh tế cao, cây cam ở Quỳ Hợp được trồng từ khá lâu, qua quá trình chọn lọc, đến nay đã hình thành nên những vùng cam quả đặc sản gắn với vùng miền đó là “Cam Vinh”.

 

Niềm vui bội thu

 

Cuối tháng Chạp, khi không khí Tết đã chộn rộn khắp vùng quê, chúng tôi về trang trại cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành do Công ty Cổ phần Sao Mai đầu tư xây dựng từ năm 2004, hiện nay có tổng diện tích 20 ha, trong đó 16 ha cam đã đi vào kinh doanh. Giống cam được trồng chủ yếu ở đây là cam Xã Đoài và Vân Du, với quy trình kỹ thuật chăm sóc chặt chẽ và đã được Việt Gap chứng nhận là sản phẩm sạch. Vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, an toàn nên giá cam Thiên Sơn cao hơn so với cam trồng ở những nơi khác. Mới tuổi 28, “tỷ phú 8X” Nguyễn Hữu Phúc ở Yên Thành đã là chủ vườn cam cho thu nhập hơn chục tỷ đồng/năm. Nói về giá trị của vườn cam, Phúc hào hứng chia sẻ: “Một ha cam cho thu hoạch khoảng 50 tấn/năm. Với mức giá trung bình từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, tổng thu mỗi năm khoảng hơn 2 tỷ đồng… Điều đáng mừng là cam rất dễ tiêu thụ, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó. Hàng năm, trang trại cam của gia đình Phúc tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng…”.

 

 

Ở Quỳ Hợp, ông Nguyễn Đình Kỳ, gần 20 năm gắn bó với cây cam nay đã quyết tâm thành lập Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ và xây dựng thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến xứ Nghệ (lấy tên của vợ chồng ông). Chỉ sau hơn 2 năm, nhờ vào kinh nghiệm và chú trọng vào chất lượng, thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, tại thị trường Hà Nội, Cam Vinh Kỳ Yến xứ Nghệ đã được phân phối tại hơn 40 hệ thống siêu thị, cửa hàng trong năm 2014 và tăng lên 60 cửa hàng, siêu thị trong năm 2015. Hiện nay, Cam Vinh Kỳ Yến xứ Nghệ đang là đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm cam quả tươi đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có uy tín tại Minh Hợp, Quỳ Hợp. Công ty đang nỗ lực tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Hy vọng trong tương lai không xa, những trái cam Vinh Nghệ An lại có mặt trên thị trường quốc tế như những năm 90 của thế kỷ trước.

 

 

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, “hành trình” của những trái cam Vinh có mặt khắp nơi trên thị trường. Đi đâu, ở bất kỳ khu chợ nào, hay dọc các tuyến đường đều được bày bán với các biển hiệu và lời giới thiệu đầy tự hào: “Cam Vinh”.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang