Thứ Sáu, 29/03/2024 06:14:13 GMT+7

Tin đăng lúc 30-07-2019

Lượt xem: 1890

Người có nhiều hoài bão để dòng điện quê lúa Thái Bình tỏa sáng

Thái Bình những năm đầu thâp niên 90 của thế kỷ trước, lưới điện trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp trầm trọng, nhưng được sự giúp đỡ của ngành Điện cũng như chính quyền địa phương, Công ty Điện lực Thái Bình đã hoàn thành Quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn 1991-1995 và chỉ sau 4 năm đầu tư đồng bộ, đã có 279/279 xã, 99,5% số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia.
Người có nhiều hoài bão để dòng điện quê lúa Thái Bình tỏa sáng
Ông Nguyễn Văn Tuynh - Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình

Đúng vào thời điểm này, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Tuynh sau 6 năm trải nghiệm thực tế tại các Nhà máy Điện đạm Hà Bắc và Tua bin khí Tiền Hải đã được nhận về công tác tại Công ty Điện lực Thái Bình. Với kiến thức chuyên ngành Hệ thống điện đã học, khi được bố trí về các Phòng Kỹ thuật, Thiết kế, hay Điện nông thôn, Nguyễn Văn Tuynh đều không bỏ lỡ thời cơ chịu khó học hỏi những người đi trước, học từ đồng nghiệp, để phát huy năng lực bản thân, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, rồi qua những lần về địa phương công tác, ông thấy thấm thía một điều, “Điện phải đi trước một bước” mới giúp cho người dân quê hương mình thoát khỏi đói nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Năm 1999, thực hiện chủ trương tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp nông thôn, với chức năng được phân công, nhất là từ khi được đề bạt là Phó phòng Điện nông thôn, rồi Trưởng phòng Thiết kế điện…, Nguyễn Văn Tuynh đã cùng với đồng nghiệp trong Công ty tích cực đề xuất nhiều phương án, giải pháp, giúp PC Thái Bình hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước hoàn thành sớm nhất kế hoạch tiếp nhận và quản lý lưới điện nông thôn.

 

Tuy nhiên, phải từ năm 2011, khi Nguyễn Văn Tuynh được bổ nhiệm giữ trọng trách Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình, ông mới càng thấy rõ hơn sức ép về nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương và ông hiểu rằng, muốn kinh doanh hiệu quả thì trước hết lưới điện phải được đầu tư mạnh hơn, phải đi trước để không còn bị động. Tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của cấp trên và chính quyền địa phương, Giám đốc Nguyễn Văn Tuynh đã tập trung sự chỉ đạo, trước hết là củng cố hoàn thiện lưới điện. Bằng việc tranh thủ nguồn vốn của EVN và huy động từ các tổ chức tín dụng, thương mại, Công ty đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời thực hiện các bước khảo sát, kiểm tra từng địa bàn để có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện khu vực nông thôn, đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn liên tục, phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, lưới điện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được phát triển đồng bộ, với 02 trạm biến áp 220 kV và 09 trạm/18 MBA 110 kV, tổng công suất đặt là 791 MVA (trong đó 08 trạm/15 MBA do Công ty quản lý, công suất đặt 640 MVA và 01 trạm/03 máy, công suất đặt 151 MVA của khách hàng), cung cấp điện lưới quốc gia tới 100% số xã, thị trấn, với chất lượng điện áp không ngừng được nâng cao. Chính từ việc chú trọng hoàn thiện lưới điện nên tỷ lệ tổn thất điện năng trên địa bàn tỉnh cũng từng bước giảm dần, từ mức 12% (năm 2014), giảm xuống còn hơn 6% (năm 2019).

 

Để từng bước đưa công tác quản lý kinh doanh vào nền nếp, nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, Công ty đã xây dựng kế hoạch, đầu tư nhiều thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình quản lý lưới điện, đặc biệt là ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ người dân bất kỳ lúc nào, mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện nhất. Nổi bật là việc đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị điều khiển vận hành các trạm biến áp không người trực; ứng dụng công nghệ bản đồ Gis; chương trình phần mềm quản lý kỹ thuật trên lưới điện; thiết bị điều khiển máy ngắt, đóng cắt từ xa; sửa chữa điện bằng công nghệ Hotline… Bên cạnh đó, công tác dịch vụ khách hàng được đặc biệt chú trọng, trong đó, một loại hình dịch vụ cấp điện mới cho khách hàng chỉ cần đăng ký qua điện thoại, hoặc email đã nhận được nhiều phản ứng tích cực của người dân. Công ty cũng là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng thành công hóa đơn điện tử vào hoạt động mua bán điện, nhất là việc triển khai thông báo công khai số điện dùng hàng tháng của người dân bằng tin nhắn; dịch vụ thu tiền điện qua ngân hàng đã đem lại nhiều tiện ích và hiệu quả cho ngành Điện, độ tin cậy cao cho khách hàng.

 

Tuy nhiên, là người đứng đầu đơn vị, Giám đốc Nguyễn Văn Tuynh vẫn ngày đêm đau đáu, trăn trở, trong giai đoạn xây dựng thị trường bán lẻ điện, làm thế nào để mỗi CBCNV ngành Điện phải yêu nghề, nâng cao ý thức vì dân phục vụ. Với suy nghĩ ấy, ông và Ban Lãnh đạo Công ty đã tập trung các giải pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ, thay đổi tư duy từ quản trị, giao tiếp phục vụ, đến công tác đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Theo ông, lưới điện nông thôn Thái Bình vận hành sau hàng chục năm “đi trước một bước” đã nhanh xuống cấp, giờ là lúc phải đầu tư, nâng cấp, cải tạo, để làm sao cho người dân dùng điện thấy “sướng” là hạnh phúc của người thợ điện. Nhưng để người dân hài lòng thì CBCNV trong Công ty phải yêu nghề, biết hy sinh vì nguồn điện quê hương tỏa sáng. Ông vẫn tự hào, công nhân ngành Điện thực sự như những người lính thầm lặng, họ miệt mài sửa chữa đường dây giữa cái nắng, nóng hơn 40 độ không một lời kêu ca, phàn nàn, hay chẳng quản đêm hôm mịt mùng, mưa bão để xử lý sự cố lưới điện, hình ảnh đó không chỉ là trách nhiệm, mà nó còn thể hiện tính chuyên nghiệp mà chính ông và Ban Lãnh đạo Công ty qua các thời kỳ đã dày công gây dựng suốt hàng chục năm trời. Giờ đây, người dân, hay doanh nghiệp có bất kỳ giao dịch nào liên quan đến sử dụng điện, thu tiền điện, xử lý sự cố…, đều được các nhân viên ngành Điện Thái Bình hướng dẫn tận tình chu đáo, mọi yêu cầu đều được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện.

 

 

Công ty Điện lực Thái Bình tổ chức khắc phục nhanh sự cố về điện

 

Đi lên từ người thợ, lại được từng trải qua nhiều môi trường, lĩnh vực công tác khác nhau, Giám đốc Nguyễn Văn Tuynh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, nên ông mong muốn mỗi CBCNV trong đơn vị phải thực sự đoàn kết, đồng thuận; xây dựng phong cách làm việc sáng tạo, khoa học; có ý chí phấn đấu học hỏi, cầu thị, coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình. Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng ông vẫn dành thời gian giúp họ hoàn thành các đề tài sáng kiến cải tiến; chỉ cho mọi người có thêm các kỹ năng khi tiếp xúc với khách hàng là người dân nông thôn; thậm chí ông nghiêm khắc phê bình cán bộ đi họp không đúng giờ, hay nhắc nhở bộ phận chuyên môn phải làm đúng quy định về trình bày một văn bản... Tất cả những điều đó đã giúp cho mỗi người trong Công ty trưởng thành và hoàn thiện hơn, tạo được không khí đoàn kết, gắn bó và hoạt động của đơn vị cũng ngày càng khoa học, nền nếp hơn.

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kiến Xương, Thái Bình, trưởng thành trong quân đội, rồi phấn đấu học ở trường, ở đời, trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp lớn ngay chính quê hương, người kỹ sư quê lúa Nguyễn Văn Tuynh giờ đây vẫn ngày đêm miệt mài với công việc, góp phần quan trọng cho dòng điện quê hương tỏa sáng. Ông thực sự xứng đáng với phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba mà Đảng, Nhà nước trao tặng.

 

Mai Hương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang