Thứ Sáu, 29/03/2024 13:23:10 GMT+7

Tin đăng lúc 23-06-2020

Lượt xem: 1023

Người tiêu dùng cần có ý thức tẩy chay không sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên ngành đã liên tục thu giữ hàng ngàn sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như: Quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống… đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần có ý thức tẩy chay không sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, 05 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 23.935 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng lậu; thu nộp ngân sách nhà nước trên 125 tỷ đồng.

 

Tính trong tháng 5/2020, lực lượng chức năng 389 Hà Nội đã tổ chức thanh kiểm tra 1.262 vụ; xử lý 875 vụ. Khởi tố 4 vụ đối với 6 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 108 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 13 vụ; gian lận thương mại 754 vụ.

 

Qua đó, có thể thấy vì lợi nhuận nên tình trạng sản xuất, buôn bán trái phép hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay đã xuất hiện nhiều đối tượng tham gia kinh doanh, buôn bán trục lợi làm mất ổn định thị trường và gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng.

 

Theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo, thường trú tại phường Quang Trung, Q. Hà Đông chia sẻ: Là người nội chợ, công việc mua bán, ăn, mặc chị đều phải làm cho gia đình. Việc mua sắm hiện nay cũng đã gây nhiều áp lực cho bản thân, bởi chị đã nhiều lần mua phải hàng nhái, kém chất lượng… Mặc dù đã rất cảnh giác và luôn tẩy chay các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng do một phần chị chưa tìm hiểu kỹ sản phẩm nên họ đã trà trộn cả những sản phẩm kém chất lượng. Mặt khác, nhiều sản phẩm làm giả như thật khiến chị không phân biệt được, khi phát hiện thì họ xin lỗi và đổi lại khiến chị mất rất nhiều thời gian, gây bức xúc.

 

Anh Trần Tân Vượng, trú tại phường Mộ Lao, Q. Hà Đông cho hay: Hiện nay, việc mua sắm, giao dịch hàng hóa rất tiện lợi, các kênh mua sắm truyền thống hay các kênh mua sắm trực tuyến rất đa dạng, phục vụ nhiệt tình, giao hàng tận nơi theo yêu cầu của khách, anh thường xuyên mua sắm qua các kênh online, nhưng mỗi khi giao dịch anh đều phải kèm theo điều kiện khi nhận hàng, khách hàng kiểm tra trước khi thanh toán, nhằm tránh mua phải hàng nhái, kém chất lượng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTT, Trưởng BCĐ 389 Hà Nội cho biết: Người tiêu dùng là người quyết định rất hiệu quả trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hiện nay, việc người dân cần tẩy chay không mua, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa trên sẽ góp phần vào việc đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái… Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

 

Để tiếp tục triển khai các kế hoạch trong thời gian tới, BCĐ 389 TP. Hà Nội đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản, nội dung phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch; các mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

 

Ngoài ra, BCĐ 389 thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kịp thời thông tin về kết quả hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng, để cảnh báo cho người tiêu dùng biết và cảnh giác tới các hành vi làm ăn phi pháp của các đối tượng, đã làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang