Thứ Sáu, 29/03/2024 01:51:50 GMT+7

Tin đăng lúc 21-11-2017

Lượt xem: 1917

Người tiêu dùng cẩn thận khi mua hàng trong ngày Black Friday

Black Friday - ngày hội giảm giá lớn nhất thế giới đang đến gần. Black Friday đã du nhập vào Việt Nam và dần được hưởng ứng mạnh mẽ trong vài năm gần nay từ cả phía các thương hiệu cũng như người tiêu dùng trong nước. Dịp Black Friday là lúc các thương hiệu tại Việt Nam đồng loạt giảm giá, tuy nhiên, người tiêu dùng cần cảnh giác với những chiêu trò để tránh trở thành “con mồi” cho những kẻ lừa đảo.
Người tiêu dùng cẩn thận khi mua hàng trong ngày Black Friday
Ảnh minh họa

Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối" được ấn định vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11. Năm nay, ngày Black Friday sẽ rơi vào ngày 24/11/2017. Những ngày này, các thương hiệu ở một số trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước sẽ đồng loạt có những chương trình giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Không khó để bắt gặp cảnh tượng nhốn nháo trong các siêu thị lớn như Big C, CoopMart đến các trung tâm mua sắm “sang chảnh” như Parkson, Vincom…

 

Tại các trang mua bán hàng online, không khí mua sắm tấp nập cùng với hàng ngàn giảm giá hấp dẫn trên các website đang ngập tràn trên khắp thế giới. Những người mua sắm, không ai khác chính là chúng ta, dễ dàng bị mờ mắt bởi những giảm giá quá “ngon” mà dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho tội phạm công nghệ. Vì thế, là người tiêu dùng thông minh, hãy thận trọng với những chiêu trò lừa đảo sau đây:

 

Thu thập thông tin cá nhân

 

Bên cạnh hình thức giảm giá trực tiếp lên một mặt hàng công nghệ nhất định, nhiều cửa hàng còn tung chiêu “đăng nhập Facebook”, “điền số tài khoản cá nhân”, hoặc “hoàn thành survey này để được nhận giảm giá tới 90%”, nhằm thu hút người tiêu dùng.

 

Về cơ bản, hình thức giảm giá này không mới. Thực tế cũng chứng minh, các cửa hàng cũng thu lợi rất nhiều từ việc giảm giá cho người dùng cung cấp thông tin như: sở thích, độ tuổi, nơi cư trú… Bởi đây là con đường ngắn nhất giúp họ tiếp cận với khách hàng.

 

Sau này, hình thức giảm giá trên lại bị nhiều người lợi dụng, giả mạo các nhãn hàng lớn, từ đó chuộc lợi cho bản thân. Do đó, để tránh sập bẫy lừa đảo, người tiêu dùng chỉ nên truy cập vào các trang bán lẻ chính thức, tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các trang trung gian, các trang rao vặt trên mạng.

 

Tráo hàng

 

Tráo hàng là một hình thức khá phổ biến bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ liên hệ với bạn để xin lỗi và đưa ra một sản phẩm mà họ cho rằng ngon bổ rẻ hơn sản phẩm bạn đặt mua.

 

Thực tế tất nhiên không phải vậy. Hãy cẩn thận khảo giá và kiểm tra sản phẩm kĩ càng trước khi đặt mua, đặc biệt là khi được mời mua một sản phẩm “tốt” bất ngờ.

 

Câu like, câu share trên mạng xã hội

 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên cảnh giá với hình thức câu like, câu share trên mạng xã hội để nhận giảm giá. Bẫy lừa đảo ở đây là kẻ gian sẽ lập ra một trang/fanpage Facebook gần giống với trang thật, sau đó yêu cầu người dùng like, chia sẻ và bình luận để nhận được sản phẩm may mắn.

 

Hình thức lừa đảo này tuy không mới, nhưng nó lại vô tình khiến thông tin trên Facebook trở nên thiếu minh bạch. Người dùng tuy chẳng mất gì, nhưng kẻ lừa đảo lại chuộc lợi vô số từ việc thành lập các trang/fanpage ảo, làm giàu dựa trên sự cả tin của người khác.

 

Email quảng cáo

 

Với việc Black Friday được khởi động trước cả tuần liền, nhiều người dùng trong tuần này đã và đang nhận hàng tá email quảng cáo mỗi ngày từ các site như Amazon, Newegg, Best Buy,…

 

Đây cũng chính là một cơ hội để cho tội phạm công nghệ lợi dụng. Nhiều người sẽ vô tình bấm vào các email quảng cáo giả mạo và được dẫn vào website bán hàng giả mạo hoặc vô tình bị nhiễm mã độc thông qua đường dẫn trong quảng cáo. Ai có thể cầm lòng khi nhìn thấy những món đồ mình mong muốn giảm giá tới 70-80%. Vì vậy, hãy nhớ kiểm tra địa chỉ email của người gửi cũng như đường link khi thấy email quảng cáo.

 

Nâng rồi lại hạ giá

 

Đây cũng là một chiêu trò khá phổ biến của các cửa hàng và website bán lẻ. Họ sẽ nâng giá niêm yết của sản phẩm lên rất cao rồi đưa ra mức giảm giá vô cùng hấp dẫn đôi khi đến 5-60%. Thực tế, mức giá sau khi giảm “sâu” mới bằng giá bán ra của nhiều nhà bán lẻ khác. Đây là một cách đánh vào tâm lý thích giảm giá của người dùng. Tuy đây không hẳn là lừa đảo và không gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, nó cũng không phải là một cách bán hàng thật thà. Dù là mùa giảm giá, hãy luôn khảo giá một vòng quanh các site uy tín trước khi đặt mua một sản phẩm nào.

 

Hoa Nguyễn (t/h)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang