Thứ Năm, 28/03/2024 16:48:29 GMT+7

Tin đăng lúc 18-12-2018

Lượt xem: 13920

Người Việt cởi mở hơn với mua sắm online

Theo báo cáo mới đây của Nielsen, trong tổng số người Việt Nam truy cập vào internet thì có đến 98% mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với năm 2017.
Người Việt cởi mở hơn với mua sắm online
Người Việt cởi mở hơn với mua sắm online

Báo cáo Thương mại điện tử của Nielsen 2018  cho thấy 17% người tiêu dùng đã sử dụng các nền tảng công nghệ để mua các thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với năm 2017, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên kênh thương mại điện tử.

 

Nielsen đã ghi nhận nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin và di động đã tăng 11% trong 2 năm qua, đã đáp ứng những nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng trong hệ sinh thái mua hàng trực tuyến.

 

Thời trang, du lịch, sách và âm nhạc tiếp tục là các ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch trực tuyến, lần lượt là 59%, 52% và 51%.

 

Điểm đặc biệt ở báo cáo này cho thấy, xu hướng tiêu dùng của người đã có sự thay đổi, cởi mở hơn khi tin tưởng mua thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, thứ thu hút người dùng là được miễn phí giao hàng, theo đó có 56% người dùng đang tìm kiếm dịch vụ giao hàng miễn phí cho việc mua hàng trên mức chi tiêu tối thiểu.

 

Bên cạnh đó, thứ khuyến khích người dùng mua sắm trực tuyến là được hoàn trả tiền với sản phẩm không đúng, theo đó 63% người tiêu dùng cho biết, việc hoàn trả tiền cho các sản phẩm không đúng với những gì đã đặt sẽ khuyến khích họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn.

 

Ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao, Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết du lịch, thời trang, sách và âm nhạc là những danh mục điển hình cho người mua sắm trực tuyến lần đầu. Tuy nhiên, khi mức độ quen thuộc, thoải mái và tin cậy tăng lên, họ mở rộng sang các lĩnh vực khác như các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân và sản phẩm cho trẻ em. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng mua sẵm các danh mục khác như sản phẩm đóng gói và các loại thực phẩm tươi sống. 

 

 Theo Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chỉ ra, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến qua các năm có tốc độ tăng trưởng ổn định trên 20%/năm. Năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ đạt 6,2 tỷ USD (trung bình 1 người dân mua trực tuyến 186 USD/năm), tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 3,6% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước.

 

Dự kiến, đến năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 10 tỷ USD (mua sắm trực tuyến của người dân ước tính tương đương 350 USD trong năm).

 

Mặc dù số liệu cho thấy người tiêu dùng đã cởi mở hơn mua sắm trực tuyến, tuy nhiên, một rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay vẫn là thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng. Kể cả khi mua sắm online, khách hàng vẫn muốn thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp khi được cầm trên tay món hàng.

 

Bên cạnh đó, quảng cáo cũng tác động rất lớn đến việc mua sắm của người tiêu dùng. Theo báo cáo của Google, 75% khách hàng thực hiện hành động (click vào quảng cáo, mua hàng…) ngay khi thấy quảng cáo và 84% sử dụng thông tin từ những quảng cáo này để nghiên cứu thông tin về sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp nên quan tâm và đầu tư nhiều hơn tới quảng cáo.

 

Theo các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới, doanh nghiệp có thể sử dụng các chiến lược để phát triển thương mại điện tử, song cần tập trung vào thu hút khách hàng và chăm sóc tốt khách hàng. Doanh nghiệp nên tập trung chuyển hóa khách hàng triển vọng thành khách hàng hiện tại. Điều quan trọng là có bao nhiêu khách hàng truy cập web của doanh nghiệp mua hàng. Khi cải thiện được tỷ lệ chuyển hóa khách hàng (conversion rate), doanh nghiệp sẽ tăng trưởng được doanh thu.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang