Thứ Sáu, 29/03/2024 13:36:18 GMT+7

Tin đăng lúc 06-05-2016

Lượt xem: 4185

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung xăng E5 trên thị trường

Thông tin hàng loạt các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio - Ethanol (nguồn cung cấp cồn Ethanol để pha chế xăng sinh học E5) đã và đang tạm dừng hoạt động khiến các doanh nghiệp (DN), đại lý phân phối loại xăng này không khỏi hoang mang, lo lắng. Bên cạnh sự nỗ lực của các DN trực tiếp sản xuất, phối trộn xăng E5, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan trong việc “cởi nút thắt” nhằm bảo đảm nguồn cung ứng sản phẩm này trên thị trường.
Nguy cơ gián đoạn nguồn cung xăng E5 trên thị trường
Xăng E5 đang đứng trước nguy cơ giảm sản lượng.

Nỗi lo gián đoạn

 

Sau quá trình tỏ ra khá dè dặt khi sử dụng xăng E5, một số khách hàng cho biết không xảy ra vấn đề gì về chất lượng, trong khi giá bán lại rẻ hơn các loại xăng khác khoảng 500 đồng/lít, cho nên người dân bắt đầu dùng xăng E5 nhiều hơn trước đây. Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 56, phố Giáp Nhất (Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Trung Đắc cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán được hơn 3.000 lít xăng các loại, trong đó, xăng E5 bán được khoảng 700 lít đến 800 lít. Ngày càng có nhiều người dân hiểu về xăng E5 hơn. Khách hàng sẵn sàng sử dụng và không còn dò hỏi về chất lượng xăng E5 như trước đây.

 

Tuy nhiên, khi đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, lại xuất hiện thông tin các nhà máy sản xuất xăng E5 tạm dừng hoạt động, khiến các cửa hàng, đại lý kinh doanh lo lắng nguồn cung có bảo đảm trong dài hạn hay không. “Nếu nguồn cung xăng E5 thiếu hụt, các cửa hàng sẽ bị thiệt hại không nhỏ. Bởi trước đây, chúng tôi đã mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để súc rửa bồn bể, trang bị lại máy móc, thiết bị, nay không có nguồn hàng ổn định, lúc đó bắt buộc quay ra bán xăng A92 và tốn thêm một lần chi phí. Đó còn chưa kể việc này khiến người tiêu dùng thiếu tin tưởng, về sau triển khai bán lại xăng E5 sẽ gặp rất nhiều khó khăn,…” - ông Nguyễn Trung Đắc nhấn mạnh.

 

Chung tâm trạng, Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 18 (625 Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội) Trần Thế khẳng định, trung bình cửa hàng bán được 200 m3/tháng thì xăng E5 bán được khoảng 60 m3/tháng. Mặc dù chưa có nhiều người dân thật sự tin tưởng vào xăng E5, nhưng qua tuyên truyền, giải thích, họ đã bắt đầu lựa chọn và sử dụng ổn định, chưa thấy có bất kỳ sự việc nào xảy ra và lượng xăng E5 của cửa hàng vẫn được cung cấp đều. Thế nhưng, nếu các nhà máy không hoạt động, chắc chắn nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng. Lúc đó, bắt buộc các cửa hàng, đại lý phải tính toán lại phương án kinh doanh nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế, cũng như thu nhập cho người lao động.

 

Đánh giá về mức tiêu thụ xăng E5 trên thị trường, bà Hoàng Thị Như Quỳnh, Trưởng phòng Kinh doanh - Tổng hợp, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Hà Nội (PV Oil Hà Nội) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ xăng E5 trên thị trường Hà Nội năm 2015 của PV Oil Hà Nội đạt 6.653 m3. Đến nay, PV Oil Hà Nội đã triển khai bán xăng E5 tại toàn bộ tám cửa hàng, với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 668 m3/tháng. Khi nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tạm dừng hoạt động thì Tổng Công ty PV Oil vẫn chủ động cung ứng xăng E5 cho thị trường Hà Nội, còn nguồn cung bảo đảm ra sao lại phụ thuộc vào kế hoạch và chủ trương phát triển của Tổng Công ty PV Oil. Còn Công ty Xăng dầu khu vực 1 (Petrolimex Hà Nội) mỗi tháng xuất bán khoảng 15 nghìn m3 xăng E5 (chiếm khoảng 30% tổng số bán lẻ xăng các loại) cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống và triển khai bán xăng E5 tại 49 trong số 68 cửa hàng trực thuộc. Tuy nhiên, các nhà máy đóng cửa sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quá trình đầu tư, bán xăng E5 trên thị trường. Do đó, nguồn cung ứng cồn để pha chế xăng E5 phải bảo đảm, không được gián đoạn là vấn đề rất quan trọng, cần phải tính toán trong thời gian tới.

 

Gỡ bỏ nút thắt

 

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều chủ trương khuyến khích sử dụng xăng E5 như một giải pháp giảm ô nhiễm môi trường và cam kết cắt giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, lộ trình đưa xăng E5 ra thị trường vẫn gặp nhiều trở ngại. Thông tin nhà máy nhiên liệu sinh học Bio - Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) mới đây tạm dừng hoạt động đã khiến không ít người hoang mang. Bởi theo lộ trình phát triển nguồn nhiên liệu sinh học của Chính phủ, cả nước hiện có bảy nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học nhưng vì nhiều lý do, đến nay năm nhà máy đã thông báo tạm dừng hoạt động. Theo lý giải của lãnh đạo Công ty nhiên liệu sinh học Dầu khí miền trung (chủ quản của Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio - Ethanol Dung Quất), nguyên nhân nhà máy tạm dừng hoạt động do chi phí sản xuất cao khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường, dẫn đến thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng E5 chênh lệch thấp với các loại xăng khác (chỉ ít hơn 500 đồng/lít đối với xăng A92 và 1.200 đồng/lít đối với xăng A95), khiến mặt hàng này khó có sức hút đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, đây là sản phẩm mới, người tiêu dùng chưa quen, cho nên sản lượng tiêu thụ chậm khiến DN phải dừng hoạt động, chờ tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho.

 

TS Nguyễn Hữu Cung (Trường đại học Hùng Vương) nhận định, khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư có đề án tính toán rõ phương án hoạt động kinh doanh cụ thể, từ khi khai thác vận hành, cho dòng sản phẩm đầu tiên, đến giai đoạn phát triển, tăng trưởng ổn định, bão hòa,... Việc nhà máy buộc phải đóng cửa nhằm “cắt lỗ” cũng theo quy luật phát triển của thị trường. Chính vì vậy, để có thể phát triển và đưa xăng E5 ra thị trường, các DN phải nỗ lực trong việc cắt giảm các khoản chi phí, nâng cao quản trị nhân lực, mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác, khách hàng tiềm năng,… Đồng thời, các cơ quan chức năng phải có các cơ chế, chính sách khuyến khích về giá, hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên cũng như hạn chế nguồn nhập khẩu xăng từ nước ngoài,… Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, hiện tại chúng ta chưa có hỗ trợ trong sản xuất đối với phát triển nguyên liệu xăng E5. Các nhà máy liên tục thua lỗ do sản phẩm không bán được, trục trặc kỹ thuật hoặc chất lượng chưa bảo đảm. Ngay bản thân người tiêu dùng cũng ít người dám dùng xăng E5 vì chưa nắm rõ tác dụng sản phẩm, cũng như lợi ích khi sử dụng. Mặc dù sản phẩm đã tốt với môi trường, song thật sự có tốt với thiết bị, máy móc; có mang lợi ích kinh tế cho người dùng hay không vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Mức chênh lệch quá thấp so với các loại xăng khác chưa thể hiện sự khuyến khích đúng mức của cơ quan quản lý. Khi chưa giải quyết được vấn đề này thì việc đầu tư cho các nhà máy là quá lãng phí. Ngoài ra, xăng E5 có phát triển được trên thị trường hay không cũng dựa phần lớn vào các cơ chế, chính sách về giá, thuế, bảo hộ sản xuất trong nước từ phía các cơ quan chức năng. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho DN, lúc đó xăng E5 mới có cơ hội đứng vững trên thị trường.

 

 

Nước ta hiện có ba đơn vị sản xuất, pha chế xăng E5 với sản lượng cung cấp ra thị trường đến hết tháng 8-2015 đạt 162.488 m3, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hơn 90 nghìn m3, Petrolimex gần đạt 66 nghìn m3. Hiện cả nước có bảy nhà máy sản xuất Ethanol, tuy nhiên chỉ có bốn cơ sở sản xuất Ethanol đạt tiêu chuẩn để pha chế xăng E5, với tổng năng lực sản xuất đạt 318 nghìn tấn/năm (đủ pha chế 4,78 triệu tấn xăng E5) khi đạt 100% công suất thiết kế. Trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động 65% thiết kế, sản lượng Ethanol đạt khoảng 207 nghìn tấn/năm (đủ để pha chế 4,1 triệu tấn xăng E5). Do nhiều nguyên nhân, đa số các cơ sở này đã và đang tạm dừng hoạt động.

 

 

Theo Quỳnh Chi/Nhân dân điện tử


Tag:xăng E5

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang