Thứ Ba, 23/04/2024 14:46:47 GMT+7

Tin đăng lúc 04-10-2016

Lượt xem: 14115

Nguyễn Đăng Quân – Người “chuyển lửa” về quê hương Kinh Bắc

Năm 2003, Nguyễn Đăng Quân tốt nghiệp kỹ sư điện chuyên ngành tự động hóa – Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp – Đại học Thái Nguyên và bỡ ngỡ làm quen với môi trường kinh doanh trên địa bàn Thủ đô đầy tiềm năng, hy vọng, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro thách thức.
Nguyễn Đăng Quân – Người “chuyển lửa” về quê hương Kinh Bắc
Giám đốc Nguyễn Đăng Quân cùng CBNV Công ty tại Chương trình Khảo sát và công bố “Thương hiệu sản phẩm/dịch vụ tin cậy vì chất lượng cuộc sống Việt 2015”.

Với cái chất mộc mạc của người thanh niên chân ướt, chân ráo từ vùng quê nghèo Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh ra thành phố, Nguyễn Đăng Quân luôn tâm niệm rằng, đã có biết bao các bác, cô chú, anh chị từ cái miền quê đất chật, người đông ấy ra đi đều thành công trong con đường sự nghiệp, giữ nhiều cương vị quan trọng tại các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội…, thì tại sao lớp trẻ sau này không lấy đó làm tấm gương để vững tin trên con đường lập nghiệp. Suy nghĩ đó cứ ấp ủ, thôi thúc anh phải quyết tâm, vượt lên chính mình và tháng 3/2008, sau 5 năm “tập dượt” làm quen trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện, Nguyễn Đăng Quân đã chính thức thành lập Công ty CP Chế tạo Máy biến thế Hà Nội – HBT.

 

 Thường khi mới thành lập, các doanh nghiệp sẽ tổ chức khai trương, ra mắt om xòm, ầm ĩ, nhưng với Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Quân thì ngược lại, anh âm thầm làm, lặng lẽ như chính tâm trạng của người mới làm quen với thị trường đầy sôi động và nghiệt ngã. Không ồn ào bởi cái quan trọng chính là nguồn vốn mà anh có để đầu tư cho kinh doanh quá ít ỏi, phải vay mượn, đến tấm “sổ đỏ” chứng nhận mảnh đất của ông bà để lại cũng phải “cầm cố” nơi ngân hàng, nên Quân phải chấp nhận cắt giảm những chi tiêu thực sự chưa cần thiết để dành ưu tiên cho kinh doanh.

      

Lĩnh vực hoạt động của Công ty anh Quân tập trung chủ yếu là sản xuất máy biến áp và các loại thiết bị điện phục vụ nhu cầu của xã hội, nhưng khi bước vào thị trường này mới thấy muôn vàn khó khăn, thách thức. Khó khăn về vốn thì có thể dần sẽ vượt qua, nhưng để sản phẩm của mình “đọ” với các thương hiệu máy biến áp nổi tiếng trong và ngoài nước thì không dễ. Một doanh nghiệp trẻ như HBT, khi mới ra đời phải đi “nhặt” từng nhân sự - những con người phải có chuyên môn, có tâm huyết với nghề, bởi đặc trưng của nghề điện là “sai một ly đi một dặm”, là nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại kinh tế không lường trước được. Vốn tính thận trọng, lại cầu thị học hỏi, Nguyễn Đăng Quân bắt đầu cuộc hành trình mới, với những định hướng chiến lược, trong đó chú trọng khâu tuyển dụng và mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền máy móc, đặc biệt là những thiết bị công nghệ mới hiện đại, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm mới là cái đích nhắm tới của Công ty. Chính vì vậy mà anh Quân đã phải đích thân vào Nam, ra Bắc, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tạo độ tin cậy với khách hàng thông qua những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiến độ, với các cam kết nghiêm túc thực hiện chính sách sau bán hàng.

 

HBT - Thương hiệu Vàng công nghiệp Việt Nam

 

Có định hướng căn cơ và biết chọn phân khúc thị trường phù hợp với năng lực của Công ty, Nguyễn Đăng Quân cho rằng, muốn thâm nhập sâu vào thị trường ngành Điện thì sản phẩm của mình phải tạo được sự khác biệt và tính hơn hẳn về chất lượng cũng như kiểu dáng công nghiệp, giá thành. Vì vậy, Công ty HBT tập trung chế tạo các loại máy biến áp đến 35 kV – 20 MW, loại máy có tính năng nổi trội là độ chính xác cao, độ tổn hao điện năng thấp, bền, chịu được quá điện áp lớn, có thể lắp đặt trong mọi địa hình và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Bên cạnh đó, Công ty tập trung đẩy mạnh tham gia thiết kế và lắp đặt các trạm biến áp Kiot có điện áp đến 35 kV - công suất đến 2.500 kVA; Liên danh liên kết với các doanh nghiệp xây lắp cùng làm các công trình điện lớn để duy trì việc làm và củng cố thương hiệu.  

 

Khi có khá đông khách hàng quen với việc sử dụng máy biến áp chất lượng cao mang nhãn hiệu HBT, năm 2011, Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Quân đã quyết định chuyển nhà máy từ Thanh Trì, Hà Nội về Khu Công nghiệp Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm và không ngần ngại đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở rộng mặt bằng sản xuất, trong đó tập trung xây dựng nhà xưởng, dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại như dây chuyền cắt tôn Silic tự động; dây chuyền quấn lá đồng tiên tiến; máy quấn dây điện từ tự động; công nghệ xẻ băng tôn silic... Đồng thời, mở rộng chế tạo loại máy biến áp hiệu suất cao, sử dụng vật liệu tôn vô định hình Amorphous và đã được Trung tam Quatest1 kiểm định đạt chất lượng vận hành…, đặc biệt là Phòng Thí nghiệm đồng bộ với thiết bị kiểm định có độ chính xác cao (điện áp đến 110 kV, tần số 100 Hz), nhằm tăng năng lực sản xuất, giảm sức lao động, hạ giá thành, nhưng quan trọng hơn là nâng cao chất lượng sản phẩm. Máy biến áp của Công ty khi xuất xưởng đều được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với Tiêu chuẩn TCVN 6306 - 1:2006/IEC 60076 - 1:2000 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam; Tiêu chuẩn TCVN 8525: 2010 về hiệu suất tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương và các Tiêu chuẩn do ngành điện đặt ra. Công ty cũng đã triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam, được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm máy biến áp, đồng thời triển khai thực hiện mô hình 5S, nhằm nâng cao ý thức người lao động, tạo ra một môi trường sạch sẽ và nền nếp trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

 

Bằng chiến lược đầu tư kinh doanh hợp lý, uyển chuyển, thiết lập được mối quan hệ khăng khít với khách hàng truyền thống, thông qua chất lượng sản phẩm và chính sách bảo hành 2 năm, nên Công ty CP Chế tạo Máy biến thế Hà Nội đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu và không ngừng phát triển. Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay HBT đã chế tạo và cung cấp hàng chục ngàn máy biến áp các loại 1 pha, 3 pha cho ngành Điện, cùng nhiều địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu tăng trưởng của HBT lên tới 150% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó Công ty đã sản xuất được gần 1.000 máy biến áp các loại, với mức doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng.  

 

Tổng giám đốc HBT Nguyễn Đăng Quân

 

Không chỉ quan tâm cho sản xuất phát triển, mà Nguyễn Đăng Quân còn rất chú trọng nâng cao đời sống, tinh thần cho người lao động. Mọi CBCNV làm việc trong Công ty đều có tay nghề chuyên môn, được đào tạo bài bản và khi về với HBT, họ được sống trong môi trường thân thiện, hòa đồng, cũng như được thụ hưởng những thành quả bằng công sức của mình đóng góp. Nguyễn Đăng Quân chia sẻ, bản thân anh cũng ra đi từ miền quê nghèo khó, phải bươn chải trên thương trường 5 năm ròng, nên rất thấu hiểu và cảm thông với anh chị em công nhân – những người xuất thân từ nông thôn, học xong chỉ mong có việc làm, thu nhập, “mình giúp họ chính là giúp mình”. Ngoài đảm bảo lương thưởng hàng tháng, Công ty còn hỗ trợ ăn giữa ca, tặng quà trong dịp lễ tết, sinh nhật, tổ chức cho anh em đi du lịch, giữa lãnh đạo với người lao động thật gần gũi, đầm ấm như người thân trong gia đình. Chính vì vậy mà tất cả mọi người trong Công ty thực sự dành cho Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Quân một sự khâm phục, kính nể và rất đỗi tự hào.

 

 Có ai đó lần đầu gặp Nguyễn Đăng Quân, sẽ chẳng thể nghĩ anh là Tổng giám đốc -  một doanh nhân hội đủ nhiều phẩm chất truyền thống và hiện đại, bởi bên cạnh cái tính cách điềm đạm, nhẹ nhàng cởi mở, thì ở anh còn ẩn chứa nhiều quyết đoán và những quyết định táo bạo mang tính chiến lược. Táo bạo vì bên cạnh nhà máy đang sản xuất, vẫn cung cấp hàng loạt máy biến áp các loại cho thị trường, thì Công ty cũng đang gấp rút triển khai Dự án mở rộng quy mô sản xuất trên diện tích hơn 10.000 m2 ở khu công nghiệp Đại Đồng, Hoàn Sơn, Bắc Ninh; Đồng thời, thành lập một số chi nhánh tại các tỉnh, thành phố lớn và dự kiến kế hoạch 5 năm tới, chuyển hướng tập trung nghiên cứu sản xuất năng lượng sạch và cái đích cuối cùng là phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh doanh đa ngành. Anh nói với tôi, “Nếu không táo bạo và có “máu liều” thì chắc gì HBT có được như ngày hôm nay”, rồi anh cười, nụ cười thật hiền hậu. Tôi không lạ với câu nói của Quân, bởi trong cơ chế thị trường, “liều” có thể được hiểu là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vào môi trường mới, lĩnh vực mới và anh đã thành công. Cái được lớn nhất của Quân là thông qua hoạt động kinh doanh, anh ngẫm ra một điều, doanh nghiệp muốn phát triển thì mình phải làm ăn nghiêm túc, muốn ổn định đi lên thì nội bộ Công ty phải trên dưới một lòng và trên tất cả: Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt là một “hậu phương” vững chắc...

 

Xin chúc mừng Nguyễn Đăng Quân – Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Máy biến thế Hà Nội - một doanh nhân trẻ biết vượt lên thách thức, người không chỉ có tầm vươn tới những giá trị cốt lõi trong kinh doanh thương trường để thành công, mà anh còn dành cả tâm huyết, thêm một “ngọn lửa” chuyển về quê hương, với những dự án chiến lược, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách của địa phương. Nhưng có một điều sâu xa không phải ai cũng hiểu, tôi thấy anh đang làm vẻ vang cho quê mình, là tấm gương để các thế hệ đàn em của  “Làng đại học” Mão Điền noi theo, vươn lên lập nghiệp./.

 

Mai Hương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang