Thứ Sáu, 19/04/2024 01:37:08 GMT+7

Tin đăng lúc 22-12-2014

Lượt xem: 4182

Nhân lực cho ngành dệt may: Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía

Mở rộng quy mô, đón đầu các cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh mang lại cho ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do FTA, TPP đòi hỏi các DN phải có nhiều lao động. Tuy nhiên hiện nay các DN ngành dệt may khu vực phía Nam phải đối mặt với một thực trạng là sự dịch chuyển nhân lực, khó tuyển được nhân lực chất lượng cao.
Nhân lực cho ngành dệt may: Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía
Các DN dệt may đang phải đối diện với những khó khăn về nhân lực

Đó là phản ánh của hầu hết các DN tại hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực gắn với sự phát triển ngành dệt may khu vực phía Nam giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030", diễn ra vào ngày 18/12 tại Trường Cao đẳng dệt may Vinatex – TPHCM. 

 

Nhân lực- Bài toán khó giải

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Nghiêm trọng hơn, trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, sau những năm suy thoái về kinh tế, năm 2014 các DN dệt may khu vực phía Nam đang dần hồi phục. Tuy nhiên, các DN này đang gặp rào cản về nguồn nhân lực. Theo ông Tuấn, lao động ngành dệt may tại khu vực phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng phần nhiều là từ các tỉnh, thành phố khác đến, đa số là miền Bắc và miền Trung, nhưng hiện các nơi này cũng đã có nhiều DN cùng ngành vì vậy tình trạng dịch chuyển lao động diễn ra rất lớn và gây thiếu hụt cho các DN tại TP.

 

Ngoài thiếu hụt lao động, chất lượng lao động cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Theo Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần May Xuất khẩu Long An, việc đào tạo nhân lực cho ngành may của các trung tâm và các trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhiều DN hiện nay. Sinh viên sau khi ra trường nếu DN tuyển dụng phải đào tạo lại mới sử dụng được.

 

Cũng với khó khăn tương tự, bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, cho biết một sinh viên ra trường để sử dụng được phải mất ba năm đào tạo lại. Vì thế hiện công ty rất cần nguồn nhân lực là nhân viên kinh doanh, marketing để mở rộng sản xuất nhưng khó tuyển được người.

 

Cùng với quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ, vấn đề ở đây không còn là có bao nhiêu chỗ làm cho người lao động, mà đó là sự chuẩn bị như thế nào về chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của DN.

 

Đầu tư vốn và nhân lực cho ngành dệt may

 

Tính đến nay ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2,5 triệu lao động, dự kiến đến năm 2025 số lao động sẽ tăng lên thành 5 triệu. Riêng TPHCM, theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa công bố mới đây mục tiêu TPHCM đặt ra là phát triển thành trung tâm cung cấp các dịch vụ về dệt may cho khu vực phía Nam, đồng thời trở thành trung tâm thiết kế thời trang của cả nước.

 

Để đạt mục tiêu trên, TP sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh cho ngành dệt may, tập trung vào các sản phẩm thân thiện môi trường với mẫu mã, dịch vụ, chất lượng và giá cả cạnh tranh; thực hiện di dời các cơ sở nhuộm trong nội thành về các khu và cụm công nghiệp; tập trung đầu tư theo chiều sâu, liên kết giữa thành phố với các DN dệt may, các trường đào tạo công nhân, kỹ sư chuyên ngành…Nguồn vốn đầu tư cho dệt may đến năm 2015 dự kiến là hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn TP là 2.750 tỷ đồng và đến năm 2020 là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn TP là 5.000 tỷ đồng.

 

Về nhu cầu lao động tăng thêm cho ngành dệt may của TPHCM đến năm 2015 khoảng 19.500 lao động, đến năm 2020 khoảng 20.250 lao động, trong đó nhu cầu tăng thêm về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế lần lượt là 500 và 1.000 người. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu tăng thêm của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên phục vụ ngành dệt may theo như tính toán của TP là rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp để giải bài toán nhân lực.

 

Vì thế, DN cần cởi mở hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tránh phụ thuộc vào nhân lực có sẵn do các trường đào tạo. Các DN không chỉ dừng lại ở việc đưa ra yêu cầu mà phải cùng tham gia với các trường trong đào tạo, phải chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho chính mình… - Bà Lê Thị Thu Nguyệt- Trưởng Khoa Công nghệ dệt may Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TPHCM nhấn mạnh.

 

Thanh Thanh

baocongthuong.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang