Thứ Sáu, 29/03/2024 15:38:00 GMT+7

Tin đăng lúc 29-03-2023

Lượt xem: 798

Nhập nhèm tem mác, nguồn gốc xuất xứ hoa quả nhập khẩu đánh lừa người tiêu dùng

Ngày nay, hoa quả nhập khẩu không còn là hàng hoá xa lạ với người tiêu dùng bởi nó không chỉ được bán tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nhập khẩu, trung tâm thương mại với mức giá “tiền triệu” như trước đây mà còn được bán trong các quầy hàng ở chợ, trang mạng xã hội với lời quảng cáo là hoa quả xách tay, nhập khẩu chính ngạch kèm cả hình ảnh tem nhãn có dòng chữ HACCP, GolbalGAP...
Nhập nhèm tem mác, nguồn gốc xuất xứ hoa quả nhập khẩu đánh lừa người tiêu dùng
Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về hoa quả nhập khẩu để tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc

Mức giá các loại hoa quả nhập khẩu hiện khá “mềm”, thậm chí chỉ nhỉnh hơn hoa quả nội địa vài chục nghìn đồng/kg. Điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng rất tin tưởng vào chất lượng trái cây nhập khẩu, lo ngại rằng trái cây nội địa bị lạm dụng hóa chất trong khâu canh tác và xử lý sau thu hoạch.

 

Chính vì tin tưởng vào tem, mác chứng minh nguồn gốc, xuất xứ dán trên những loại trái cây nhập khẩu nên người tiêu dùng đã thay đổi thói quen và địa điểm mua hàng. Thế nhưng, những loại tem, mác này lại đang trở thành chiêu trò để đánh lừa khách hàng với những thủ đoạn làm giả tinh vy, nhất là trong những thời điểm hoạt động tiêu thụ hàng hóa được đẩy mạnh.

 

Là người hay mua hoa quả nhập khẩu để biếu, tặng và để dùng trong các bữa ăn tráng miệng của gia đình. Chị Hà Chi (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây chị hay vào siêu thị để mua hoa quả đi biếu, nhưng bây giờ thì các cửa hàng bán hoa quả lớn, nhỏ, kể cả ở chợ cũng đều bán, từ cam Úc, nho Mỹ, lê Hàn Quốc,… mà giá lại có phần phải chăng hơn. Hoa quả tại mấy nơi này cũng đều có tem mác đầy đủ nên chị cũng tin tưởng.

 

Thực tế là không chỉ có chị Hà Chi, nhiều người tiêu dùng khi lựa chọn mua hoa quả nhập khẩu cũng đặt niềm tin vào tem mác xuất xứ trên chủng loại trái cây. Lợi dụng điều này, một số đơn vị kinh doanh đã dán mác giả để lừa dối khách hàng.

 

Tại một cửa hàng trái cây trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội bày bán khá nhiều táo nhập khẩu. Nhân viên cửa hàng khẳng định cửa hàng chỉ bán táo New Zealand, thế nhưng chiếc tem dán trên quả táo lại có chữ USA, tức là nguồn gốc đến từ Mỹ. Còn tại chợ đầu mối Long Biên, có cửa hàng bày bán nhiều loại dưa vàng có dán tem chữ Hàn Quốc.

 

Vào vai khách hàng mua buôn để mở cửa hàng, chúng tôi đã được bà chủ cửa hàng tiết lộ, loại dưa này thực chất là được trồng tại Việt Nam, nhưng chỉ cần dán tem chữ Hàn Quốc là có thể nghiễm nhiên trở thành dưa nhập khẩu. Bằng cách này thì không chỉ riêng dưa vàng, các loại trái cây khác từ Trung Quốc, việc thay đổi nguồn gốc, xuất xứ trở nên vô cùng dễ. Hơn nữa, không khó để có thể tìm mua các loại tem dán cho trái cây, với giá chưa đến 100 đồng/tem. Thậm chí, những cửa hàng buôn bán trái cây nhập khẩu có thể đặt hàng riêng tem cho mình với chữ của các nước khác nhau.

 

 

Tem mác giả được bày bán công khai, dễ dàng tìm mua với giá rẻ

 

Theo cơ quan quản lý thị trường, hoa quả nhập khẩu chính ngạch cần đầy đủ giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng, khối lượng lô hàng của cơ quan quản lý nông nghiệp các nước, tờ khai hải quan khi xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu của Chi cục Kiểm dịch thực vật trong nước và tờ khai hải quan khi nhập khẩu... Thế nhưng chẳng có ai kiểm chứng những cam kết của người bán có chính xác hay không và người tiêu dùng khi chỉ mua một vài kg hoa quả cũng không dám hỏi người bán giấy tờ chứng minh nhập khẩu. Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng sẵn sàng trộn lẫn sản phẩm Trung Quốc và dán các loại tem, nhãn mác giả.

 

Điển hình như vài tháng trước, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt và tiêu hủy hàng loạt hoa quả mang nhãn mác nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng minh xuất xứ. Cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu “Huyền Long Biên” ở địa chỉ 39 phố Hồng Hà (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra và thu giữ 120 kg hoa quả nhập khẩu nhưng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không có nhãn phụ theo quy định, trị giá hàng hóa 9,9 triệu đồng.

 

Cũng trong thời gian đó, Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ 355 kg hoa quả “nhiều không” (không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm...), gồm 54 kg nho sữa, 36 kg quýt, 58 kg táo, 72 kg hồng táo, 12 kg mận Mỹ, 20 kg kiwi, 38 kg lựu... Đội Quản lý thị trường số 13 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh trái cây Fresh Fruits tại địa chỉ số 160 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), phát hiện cơ sở bày bán dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru nhưng không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật...

 

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn trọng và cần kiểm tra kỹ thông tin về hoa quả nhập khẩu để tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.

 

Thanh Trà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang