Thứ Năm, 28/03/2024 22:12:54 GMT+7

Tin đăng lúc 18-09-2015

Lượt xem: 4335

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp vi mạch

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Minimal Fab Development Association - MINIMAL) của Nhật Bản vừa ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu chuyển giao xưởng cực tiểu (Minimal Fab).
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp vi mạch
Nghiên cứu và chế tạo vi mạch tại ICDREC

Đây là công nghệ chế tạo vi mạch mới mà các nhà khoa học, doanh nghiệp Nhật Bản đang phát triển và lần đầu tiên chuyển giao cho Việt Nam.

 

Minimal Fab là một hệ thống sản xuất vi mạch bán dẫn mới với điểm nổi trội nhất của hệ thống đó là kích thước nhỏ, không cần đến phòng sạch mà vận dụng vào công nghệ làm sạch cục bộ (Localized Clean Technology). Với hệ thống này, các nhà sản xuất có thể chế tạo chip ngay trong những văn phòng làm việc. Đây chính là một công nghệ mới nhất lần đầu tiên trên thế giới giúp cho những DN nhỏ có thể trực tiếp tham gia vào sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

 

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu mô hình Xưởng cực tiểu phù hợp với tình hình phát triển khoa học và công nghệ thế giới hướng tới ứng dụng tại Việt Nam” cho biết, đây là một cơ hội rất lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch của TP.HCM. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ đào tạo kỹ sư nghiên cứu viên tại Nhật Bản, đồng thời chuyển giao các công nghệ về Minimal Fab cho SHPT phối hợp xây dựng 1 dự án chung xây dựng chế tạo 1 sản phẩm mẫu linh kiện vi mạch điện tử.

 

Ông Yasuyuki Harada - Tổng giám đốc - Đại diện Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu Nhật cho biết, đây là công nghệ mới trên thế giới, được các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu. Việt Nam là nước đầu tiên được các nhà khoa học Nhật Bản đồng ý ký kết đào tạo và chuyển giao công nghệ này.

 

Minimal Fab với chi phí đầu tư thấp dưới 5 triệu USD, rất nhỏ so với tiền đầu tư một dây chuyền sản xuất chip hiện nay trên thế giới là Mega Fab lên đến hàng tỷ USD. Đồng thời, hệ thống này cho phép sản xuất chip đặc thù theo quy mô nhỏ với chủng loại chip linh động hơn, phù hợp cho thị trường Việt Nam. Trong khi với quy mô lớn như Mega Fab, trong sản xuất đòi hỏi chủng loại chip cố định hơn và phải sản xuất hàng loạt.

 

Như vậy, với Minimal Fab sẽ giúp giải quyết cho bài toán nghiên cứu, đào tạo, phát triển sản phẩm vi mạch điện tử của các trường, viện, DN. Từ đó có thể sản xuất nhiều loại chip khác nhau, quy mô nhỏ, đặc thù cho quân sự, an ninh quốc phòng.

 

Bên cạnh đầu tư nghiên cứu, sản xuất theo công nghệ Minimal Fab, TP.HCM cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà máy sản xuất chip quy mô lớn do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư. Bởi việc sản xuất chip ở quy mô nhỏ Minimal Fab cũng sẽ hỗ trợ việc làm chủ nhà máy sản xuất ở quy mô lớn. Hiện nhu cầu thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 20 tỷ chip các loại cho các ngành như điện máy, điện lạnh, điện lực, vi tính... Đây là cơ sở để TP.HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Đến nay trong lĩnh vực thiết kế chip vi mạch ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ thua Singapore và ngang hàng với Malaysia.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang