Thứ Sáu, 19/04/2024 11:40:47 GMT+7

Tin đăng lúc 27-03-2021

Lượt xem: 2688

Nhiều hoạt động thúc đẩy xanh hóa trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, cải tiến sản xuất theo hướng tích cực, tiết kiệm năng lượng (TKNL) chính là cách để doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động ứng phó với những rào cản kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế và nâng cao vị thế cạnh tranh các sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Nhiều hoạt động thúc đẩy xanh hóa trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam
DN tận dụng ánh sáng ngoài trời

Ngành Dệt may hiện nay đã đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và là một trong những ngành hàng trọng điểm, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng và gây ra tác động xấu tới môi trường. Do vậy, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu năng lượng, giảm phát thải ra môi trường là giải pháp cần thiết để cải thiện sức cạnh tranh cho các sản phẩm dệt may Việt Nam.

 

Qua khảo sát tại các doanh nghiệp may mặc, chúng ta dễ nhận thấy một hình ảnh khác biệt, đó là những phân xưởng hiện đại được bố trí với những vách tấm kính lớn, trong suốt, việc lắp đặt các tấm kính lớn thay cho tường xây đã giúp cho phân xưởng này tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên, qua đó, giảm năng lượng cho chiếu sáng mà người công nhân vẫn đủ ánh sáng để làm việc. Tùy thuộc vào tình hình thời tiết, việc tăng giảm cường độ ánh sáng tự nhiên được điều tiết bằng lớp lưới bố trí bên ngoài phân xưởng, để tăng cường sự thông thoáng thì hệ thống vách kính được thiết kế đóng mở linh hoạt. Theo bà Tạ Mỹ Xuân – Giám đốc Công ty TNHH May Việt Thuận chia sẻ: Công ty đã thiết kế theo tiêu chuẩn LED về TKNL, xung quanh nhà xưởng được trồng nhiều cây xanh, có hồ điều hòa. Công ty sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn hữu cơ.

 

Với kim ngạch xuất khẩu lên gần 40 tỷ USD, tính đến năm 2019 trung bình mỗi năm ngành Dệt may Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng sản xuất, trong đó, năng lượng điện chiếm tới 70%; năng lượng hóa thạch chiếm 29%. Chi phí năng lượng đã làm đội giá thành lên cao và cùng với hàng rào kỹ thuật như: Chứng chỉ cacbon; hiệu suất tiêu hao năng lượng trên sản phẩm… đang trở thành những điểm yếu của sản phẩm dệt may Việt Nam. Tổ chức công đoàn - cơ quan đại diện cho người lao động Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế lâu năm đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy sản xuất xanh, tăng trưởng xanh tại các doanh nghiệp.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong chiến lược “Tăng trưởng xanh” quốc gia hiện nay, có hai mục tiêu chiến lược quan trọng. Thứ nhất, sản xuất xanh, tức là, rà soát lại các ngành để làm sao điều chỉnh, thực hiện TKNL một cách hiệu quả nhất. Thứ hai, thực hiện lối sống xanh, cần tuyên truyền, vận động cho công nhân, viên chức, người lao động… có được thói quen sử dụng được các nguồn nguyên, nhiên liệu tiết kiệm, kể cả trong sản xuất và trong sinh hoạt gia đình.

 

Nhiều hoạt động “xanh hóa sản xuất” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã được triển khai hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp dệt may, với rất nhiều sáng kiến được ứng dụng để giúp giảm tiêu thụ năng lượng như: Tại Xí nghiệp may Sa Đéc thuộc Công ty Cổ phần Sao Mai, việc cải tiến hệ thống đèn chiếu sáng tại nhà máy, trước đây toàn bộ hệ thống điện là một cầu dao, sau khi áp dụng chương trình tăng trưởng xanh thì mỗi bóng đèn là một công tắc, hiệu quả là tiền điện giảm khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng.

 

Để người lao động có ý thức, trước giờ về Công ty dùng hệ thống loa của phân xưởng nhắc nhở tới công nhân nhằm tạo thành thói quen khi sử dụng điện, những chiếc công tắc nhỏ này đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng điện, giảm tiêu hao năng lượng trong các khu vực không có hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, với đặc thù sử dụng nhiều lao động như ở doanh nghiệp may có 5.000 lao động này được bố trí 5 phân xưởng may, mỗi phân xưởng rộng lên tới 15.000 m2, doanh nghiệp đã đầu tư điện mái nhà. Đây là nguồn năng lượng tái tạo đã được doanh nghiệp khai thác hiệu quả.

 

Theo ông Trần Ngô Quốc Trung – Quản lý sản xuất Công ty TNHH Quảng Việt chia sẻ: Muốn “Tăng trưởng Xanh” và sử dụng nguồn năng lượng sạch không riêng gì Tổng Liên đoàn Lao động triển khai mà những nhãn hàng đặt hàng ở nhà máy cũng yêu cầu và doanh nghiệp cũng đã cam kết thực hiện. Đối với điện được sử dụng nhiều nhất hiện nay đã được gắn hệ thống đèn LED nhằm tiết kiệm điện; nhà máy đã gắn hệ thống điện năng lượng mặt trời, sau khi hoàn thiện, một ngày có thể tạo ra trên 20.000 kW điện năng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ năng lượng xanh căn cứ vào phát thải CO2 giảm thiểu.

 

Không chỉ giảm thiểu năng lượng cho chiếu sáng, các doanh nghiệp may mặc vốn phải sử dụng nhiều năng lượng nhiệt do nhiều công đoạn sản xuất khác như giặt, là. Nếu không kiểm soát tốt hệ thống sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng để đun nước nóng cũng như làm thất thoát nước, trong khâu giặt, sấy, là… Qua trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Đức Dự - Cán bộ phụ trách cơ điện, Công ty TNHH May ISS cho biết: Khi chưa áp dụng hệ thống TKNL và tăng trưởng xanh, đơn vị thất thoát khoảng 30 - 40 khối nước mỗi ngày, sau khi nắp đặt hệ thống chống chèn, thu hồi nước ngưng, Công ty đã tiết kiệm không bị lãng phí nguyên liệu.

 

Đối với những doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn đã chú trọng đầu tư những thiết bị hiện đại hơn như: Khu vực lò hơi cung cấp nhiệt cho sản xuất đã được thay thế từ nhiên liệu dầu sang nhiên liệu Promat thân thiện với môi trường, nhận diện và loại bỏ lãng phí giúp doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận nhằm giảm chi phí, tạo cho doanh nghiệp tính linh hoạt hơn trong thị trường. Bên cạnh đó, thì nước cho sinh hoạt của hàng ngàn công nhân và nước trong sản xuất cũng là nhóm chi phí cần quản lý và sử dụng hiệu quả. Theo ông Trần Ngô Quốc Trung – Quản lý sản xuất Công ty TNHH Quảng Việt cho biết: Tiết kiệm nước trong doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp may cần được sắp xếp gọn gàng và nắp đặt hệ thống vòi hạn dòng kiểm soát áp lực nước phù hợp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhằm chống lãng phí nước sinh hoạt, hạn chế nước tẩy rửa. Nước thải sinh hoạt và sản xuất được thu gom xử lý vi sinh và đưa ra hồ điều hòa, một phần được tái sử dụng cho vệ sinh công nghiệp, phần đưa ra hệ thống chung đảm bảo tiêu chuẩn.

 

Hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may đã tiếp nhận yêu cầu gắn nhãn hiệu cacbon trên sản phẩm từ nhà nhập khẩu. bên cạnh đó, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng bắt đầu ưu tiên, lựa chọn những đối tác là các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bằng cách này, hoạt động môi trường và xã hội của các ngành công nghiệp hiện tại có thể được cải thiện, ngoài ra, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường có thể tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và việc làm mới cho cộng đồng, điều này có tác động tích cực rất lớn đến môi trường sống tới người dân và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

 

Thu Hằng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang