Thứ Sáu, 19/04/2024 21:17:19 GMT+7

Tin đăng lúc 06-09-2019

Lượt xem: 3168

Nhiều thuận lợi khi khai thác thị trường Malaysia

Trong khối ASEAN, Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam, đặc biệt với nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm công nghiệp, đồ uống… Khoảng 5 năm trở lại đây, DN Việt bắt đầu khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này.
Nhiều thuận lợi khi khai thác thị trường Malaysia
Thép rút dây của Hòa Phát đã chính thức xuất 2 container đầu tiên sang Malaysia

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) cho biết, trong khối ASEAN, Malaysia là nước có thu nhập trung bình, có nền kinh tế đa ngành nghề. Quốc gia này có tham vọng trở thành nước có thu nhập cao trước 2020 và tiến xa hơn nữa trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng. Hoạt động ngoại thương của Malaysia rất năng động, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Malaysia có chính sách phù hợp cho từng thời kỳ để phát triển ngoại thương như: ưu đãi các dự án đầu tư (trong nước và nước ngoài), miễn giảm thuế cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; Thành lập các khu thương mại tự do (FTA); Khuyến khích các DN tham gia xuất khẩu; Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn cổ phần của xí nghiệp nếu xuất khẩu được từ 80% sản phẩm trở lên; Thực hiện bảo hiểm các rủi ro trong xuất khẩu…

 

Chính những điểm sáng này đã khiến quốc gia này trở thành đối tác thương mại lớn của nhiều quốc gia ở khu vự̣c châu Á và nội khối ASEAN.

 

Hiện Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 10 tỷ USD từ năm 2017 và đang hướng đến mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020. Về thương mại, Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác với Malaysia trong các lĩnh vực công nghiệp như năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản, cơ khí chế tạo, sản xuất sắt thép, hoá chất, phân bón... Đồng thời, xuất khẩu trực tiếp, cung cấp ổn định, dài hạn cho Malaysia các sản phẩm nông sản thực phẩm có thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, thuỷ sản, hạt tiêu…

 

Về đầu tư, hiện Malaysia đứng thứ 7 trong 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Singapore). Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, Malaysia là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, trong đó đạo Hồi chiếm đa số (hơn 60%). Vì vậy, bên cạnh các tiêu chuẩn trong các hiệp định thương mại tự do, hàng hóa xuất khẩu vào Malaysia còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng cho người tiêu dùng Hồi giáo (tiêu chuẩn Halal). Chính vì thế, các rào cản nhập khẩu của Malaysia nhằm bảo vệ môi trường, các ngành sản xuất chiến lược trong nước (như dầu cọ) và duy trì các tiêu chuẩn văn hoá và tôn giáo.

 

Ngoài ra, người tiêu dùng Malaysia khá dễ tính và phóng khoáng, chấp nhận sản phẩm mới với yêu cầu thương hiệu rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá cả không phải yếu tố quyết định. Rất nhiều sản phẩm của DN Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Malaysia như cà phê, hạt điều, dừa và sản phẩm từ dừa, lạc, trái cây (thanh long, vải, xoài…), hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, thực phẩm ăn liền (mì, phở, bún ăn liền)…

 

Theo ITPC, lợi thế của DN Việt Nam tại thị trường Malaysia là có thể phát triển ngành công nghiệp Halal, sản xuất thực phẩm, đồ uống theo tiêu chuẩn của người Hồi giáo. Dự kiến đến năm 2030, quy mô ngành công nghiệp Halal tại khu vực châu Á sẽ lên đến 1.100 tỷ USD, riêng Malaysia chiếm gần 300.000 tỷ USD.

 

Hiện nay, DN Việt không tự kinh doanh tại Malaysia, mà thông qua hợp tác với đối tác của nước sở tại (có lợi thế hơn về dịch vụ hỗ trợ nhập khẩu, marketing, phân phối sản phẩm) để đưa hàng hóa vào thị trường này. Ngoài ra, Malaysia còn có nhiều DN cung cấp dịch vụ kho vận chất lượng tốt, giá rẻ (hơn các cảng biển của một số nước khác trong khu vực), qua đó, DN Việt có thể phối hợp đưa hàng Việt phân phối ra thị trường lớn hơn là châu Á.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang