Thứ Sáu, 26/04/2024 04:00:02 GMT+7

Tin đăng lúc 23-12-2017

Lượt xem: 1686

Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Tại hội thảo “Lấy ý kiến về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy Ban kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 22/12 tại TP. Hồ Chí Minh, tất cả các ý kiến phản ánh, câu hỏi thắc mắc của đại biểu và doanh nghiệp (DN) đều được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời thỏa đáng.
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh giải đáp các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Ông Trần Đức Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật nêu ý kiến: So với Luật Cạnh tranh 2004 thì Dự thảo mới này có nhiều tiến bộ như: Quy định chi tiết, cụ thể về tố tụng cạnh tranh, bổ sung “chương trình khoan hồng”.

 

Tuy nhiên Dự thảo cũng lại không quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh. Ngoài ra, thời hạn ra Quyết định và điều tra, xử lý của Cơ quan cạnh tranh quốc gia là quá dài. Cụ thể, Điều 21 (Quyết định về hưởng miễn trừ) Dự thảo quy định: 60 ngày để Cơ quan này ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận cho hưởng miễn trừ và còn có thể gia hạn thêm 60 ngày. Với 120 ngày để xem xét hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ là quá dài.

 

Ông Tuấn đề xuất, Điều 23 nên sửa thành “Các bên tham gia thỏa thuận được thực hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của Cơ quan cạnh tranh quốc gia” hoặc sau thời hạn quy định tại Điều 21. Và sau này nếu phát hiện ra trường hợp DN đó không thuộc trường hợp được miễn trừ thì Cơ quan cạnh tranh phải chịu trách nhiệm.

 

Đối với các điều khoản khác trong Dự thảo như: Các Điều 9 (xác định thị trường liên quan), 10 (xác định thị phần và thị phần kết hợp), 13 (đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể), 28 (xác định sức mạnh thị trường đáng kể), 33 (thông báo tập trung kinh tế), 36 (thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế), 38 (thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế), 119 (phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh): Là những Điều rất quan trọng. Do vậy, Quốc hội cần quy định chi tiết, mà không nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

 

Ông Diệp Thành Kiệt, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - bổ sung, Dự thảo nên định nghĩa rõ về Khu vực địa lý cụ thể và định nghĩa cụ thể về hàng hóa có thể trao đổi cho nhau.

 

Đối với Điều 26 (DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường) trong Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung Khoản 2: Từ 5 DN trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên (chẳng hạn) để logic với kỹ thuật lập pháp và không bỏ lọt trường hợp nhiều hơn 4 DN. Không nên quy định Khoản 3: Vì như vậy sẽ không bình đẳng: Tại sao lại xử lý DN có thị phần 10% (vốn 10 tỷ đồng) mà không xử lý DN có thị phần 9% (vốn 1.000 tỷ đồng)?

 

Theo ông Phan Huỳnh Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Dự thảo cần quy định chi tiết về xác định phạm vi tố tụng và đề nghị kế thừa Luật Cạnh tranh 2014.

 

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng góp ý kiến liên quan vấn đề tập trung kinh tế và cho rằng Bộ Công Thương cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Thậm chí một số đại biểu còn đặt câu hỏi “Có nên sửa đổi Luật Cạnh tranh hay không trong khi Luật vẫn đang làm tốt?”.

 

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - cho biết, trước khi quyết định sửa đổi Luật Cạnh tranh 2004, cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện Luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc như vị trí địa lý pháp lý của Hội đồng cạnh tranh chưa rõ ràng, tiêu chí xác định thị trường liên quan cũng đang bị vướng…

 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công Thương quyết định sửa đổi Luật vì đã xuất hiện câu chuyện hành vi hạn chế cạnh tranh xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, gây ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh của Việt Nam. Ví dụ chuyện các hãng tàu thỏa thuận với nhau để hạn chế cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu của Việt Nam.

 

Đối với câu chuyện tập trung kinh tế, Thứ trưởng cho biết “Tập trung kinh tế là hành vi không thể thiếu của thị trường cạnh tranh và chúng ta chỉ đánh giá có tác động đến môi trường cạnh tranh như thế nào…”. Trước nay chúng ta mới chỉ suy nghĩ về tập trung theo chiều ngang (ví dụ 2 DN bán bia mỗi DN chiếm 30% thị phần, khi sáp nhập lại sẽ chiếm 60% thị phần và nếu cấm không cho sáp nhập thì chỉ là suy nghĩ theo chiều ngang). Nhưng với tập trung kinh tế theo chiều dọc, chẳng hạn một DN ở miền Nam chiếm 90% thị trường lốp ô tô nếu sáp nhập với 1 DN sản xuất ô tô thì rõ ràng việc sáp nhập theo chiều dọc này ảnh hưởng toàn bộ thị trường sản xuất - buôn bán ô tô. Vậy trong trường hợp này chúng ta có nên xử lý tập trung kinh tế theo chiều dọc hay không?

 

Đơn cử trường hợp của Hiệp hội điện ảnh phản ánh về Công ty CGV vừa làm phát hành và làm chiếu phim, cả hai lĩnh vực họ đều chiếm thị phần lớn, ở vị trí thống lĩnh. Đại diện Hiệp hội điện ảnh Việt Nam - cho biết, gần đây CGV đã ra chiến lược hạ giá vé tại tất cả các cụm rạp của mình và ảnh hưởng lớn đến các DN nội. Để cạnh tranh, DN nội buộc phải hạ giá vé khiến doanh thu lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, có thể dẫn tới mất sức cạnh tranh và xấu nhất là bán cho nước ngoài.

 

“Rõ ràng, đây là trường hợp cạnh tranh nhưng trong Luật Cạnh tranh 2004 lại không có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Vì vậy việc bổ sung cơ sở pháp lý để xem xét trường hợp này là cần thiết”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Liên quan đến trách nhiệm cơ quan nhà nước, Thứ trưởng cho biết Dự thảo cũng quy định rõ trong Điều 8 (thay thế Điều 6 cũ) là sẽ làm rõ các trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi có hành vi không phù hợp với môi trường cạnh tranh.

 

Về một số ý kiến khác của đại biểu, Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ xem xét và nghiên cứu để Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được hoàn thiện hơn.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang