Thứ Bẩy, 20/04/2024 18:02:25 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2015

Lượt xem: 5808

Nhớ về một cái tết xa nhà

Tết sắp đến, hội bạn í ới hẹn nhau gặp mặt. Những cuộc điện thoại, những tin nhắn face vẫn là một thông điệp cũ: “Khi mô mi về?”. Đã bảo không về, thế mà chúng lại nghĩ: “Tham công tiếc việc, tiền để đâu cho hết?”.
Nhớ về một cái tết xa nhà
Cả nhà vui gói bánh chưng

Có lẽ bọn bạn vẫn vô tư không hiểu đó là trách nhiệm của công việc chứ đâu phải làm thêm vì tham tiền. Mấy cô hàng xóm đang ồn ào bàn tán chuyện Tết. Một cô bảo: “Tết là ngày đoàn tụ. Bố mẹ cũng chỉ mong con cái về sum họp đông vui”. Niềm vui ánh lên trong mắt những người mẹ nghèo có con đi làm xa, khi nói về ngày đoàn tụ. Tôi cười buồn. Nhớ lại lời mẹ nói trong điện thoại: “Không xin được về mấy ngày hả con?”.

 

Tôi là một công nhân vận hành, trực ở trạm biến áp. Công việc của tôi là vận hành, truyền tải. Nên mỗi dịp Tết đến khi nghe người ta lên lịch kháo nhau nghỉ Tết cũng là lúc chúng tôi nhận công văn dồn dập phải tăng cường đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục ổn định cho nhân dân đón Tết. Biết làm sao được, cái nghề vận hành là vậy mà luôn phải có người ứng trực thường xuyên 24/24 giờ.

 

Ngày 4/8 thế là tôi nhận quyết định ra Phú Thọ làm việc, hình như mẹ đã khóc khi tôi đi xa và tiếng thở dài trong im lặng của bố. Lời trong cuốn sổ nhật ký tôi vẫn nhớ như in… Mẹ ôm tôi vào lòng và xót xa “Con chịu khó, hết nghĩa vụ rồi sẽ xin về quê làm”. Miệng vẫn cười toe, chào mọi người, trong đầu cô bé út như tôi vẫn là cuộc sống màu hồng, với bao mộng tưởng: “Tết nghỉ rồi con sẽ về thăm bố mẹ liền”.

 

Lần theo địa chỉ đến nơi làm việc mới. Sự háo hức chờ đợi của tôi cũng dần dần tụt dần theo khoảng cách km của con đường. Nơi tôi đến không phải là nơi có nhiều tòa nhà cao ốc, hay chí ít cũng là nơi tấp nập, đông vui gì, mà đó là một vùng quê ở tỉnh Phú Thọ. Cuộc sống càng nặng nề hơn, khi tôi lại được đi xa hơn với lý do rất đơn giản “Đằng nào cũng xa rồi”. Ừ, tôi đã xa nhà hơn 600 cây, có xa thêm gần 100 cây nữa cũng chẳng sao, thì đi xa để cho người đã trực lâu năm ở trạm này có điều kiện đoàn tụ với gia đình thì cũng xem như làm được việc có ích đúng lời dạy của bố là tuổi trẻ là phải xông pha. Nhưng khí hậu cộng với nước cộng cả với mùa bướm ngứa không mấy dễ chịu của vùng núi Phú Thọ hay làm hàng xóm với nghĩa địa không đáng sợ bằng việc tôi lờ mờ hiểu ra với đặc thù công việc mình đang làm để xin nghỉ rất khó, nhất là trạm ít người ở vùng sâu vùng xa thế này. Nước mắt cứ thế tuôn dài khi biết mình phải ở lại trực Tết, lời hứa Tết sẽ về thăm mẹ cứ xa dần…

 

Hai tám Tết tôi xách túi ra chợ mua mấy thứ đồ cần thiết để dùng trong dịp Tết. Hoà lẫn trong dòng người đông đúc, náo nhiệt tôi mới thấy Tết ở đâu cũng háo hức cả. Nhưng khi biết nhà tôi tận Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cô bán hàng buột miệng nói: “Chả bù cho con mình, hơn 20 tuổi rồi mà chưa bao giờ xa nhà đến 50 cây số” miệng cười nói nhưng nước mắt tôi như ứa ở trong lòng. Tôi không ghen tỵ gì với con gái họ, nhưng tự nhiên câu nói đó đã đánh thức một cái gì đó mềm yếu trong đứa con gái như tôi.

 

Giọt nước tràn ly, tôi đã cố quên nhưng giờ nó lại vùng lên, tôi nhớ nhà kinh khủng. Muốn chạy về ôm mẹ thật chặt… Một chút chạnh lòng, năm ngoái cũng chừng này tôi đi chợ Tết cùng mẹ, giúp mẹ xách đồ, giúp mẹ gọt cũ hành cũ kiệu để muối. Cũng chừng này nếu ở nhà, tôi chắc đang vừa hát vừa dọn nhà đón Tết với anh trai. Cũng chừng này nếu ở nhà, tôi sẽ phụ bố gói bánh và vẫn đòi chiếc bánh chưng be bé cho riêng mình… Chỉ thế thôi, một ước mơ quá giản dị đối với mọi người con, nhưng lại là xa vời của một người con xa nhà. Gọi điện về bảo “Con ở đây cũng vui” mà sao cúp máy nước mắt vẫn rươm rướm. Vì tôi biết chỉ cần tôi khóc một thì ở nhà mẹ cũng khóc 10.

 

Dù xa quê nhưng có thêm nhiều tình cảm

 

Cuối chiều 29 Tết, trời mưa lất phất và lạnh, anh đồng nghiệp khiêng về nhánh đào rừng. Tay vẫn sửa sang cành đào, anh niềm nở “Dù trạm xa nhưng cũng cố gắng lo cho cái Tết được tươm tất”. Lá cờ đỏ sao vàng trên cổng được thay mới bay phấp phới. Nằm vị trí cuối con hẻm bình thường đã vắng, Tết càng vắng bởi ít ai vào trong nhánh cụt này. Những người đi trực xong tất tả trở về nhà lo Tết cùng gia đình.

 

Hoa đào trong gia đình ngày xuân

 

Trạm vắng tanh, chỉ còn hai người trực ca và tôi. Ngày cuối năm, tôi lúi húi nấu ăn. Bữa cơm tất niên ở trạm không được đầy đủ như ở nhà nhưng với tôi thật nhiều ý nghĩa bởi đây là lần đầu tự tay tôi chuẩn bị một mâm cơm như vậy. Bữa cơm chiều 30 ấy chỉ có 3 người nhưng thật vui và đầm ấm. Mọi người vui vẻ kể chuyện Tết, chuyện con gà năm ngoái để cúng tất niên bị xổng chuồng… Tiếng cười giòn tan làm tôi quên đi cảm giác xốn xang và nỗi nhớ của một đứa con gái xa nhà.

 

Trạm của tôi cách xa thị trấn. Tôi được nghe thông báo thị trấn sẽ có bắn pháo hoa trong đêm giao thừa. Đã bao nhiêu lần xem pháo hoa thế mà tôi vẫn háo hức như đứa trẻ. Cảm giác Tết làm cho con người ta khác chăng ? Nhón chân chưa đủ, tôi trèo lên cả bờ tường rào để thấy chút âm hưởng của pháo hoa. Màn đêm vẫn tối đen như mực nhưng trong lòng mình đã rạo rực Tết đến hơn cả tiếng pháo hoa rồi.

 

Mưa xuân vẫn lất phất bay bay, tưới mát cho những chồi non mơn mởn. Đêm nay mọi người nô nức cùng thức đón giao thừa, những người thợ vận hành vẫn tất bật làm những công việc quen thuộc đảm bảo dòng điện cho mọi nhà. Gần 24 giờ, tiếng chuông điện thoại cơ quan vang lên lời chúc của lãnh đạo công ty và anh em ở các trạm khác. Anh trưởng ca chân thành cảm ơn và chúc Tết lại mọi người, tôi nghe mà thấy ấm lòng. Chọn cho mình một góc khuất, tôi không quên tranh thủ cầu mong cho mình một điều ước năm mới.

 

Chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ gặp mặt đầu năm

 

Tám tiếng ca đêm rồi cũng qua, tôi thở phảo nhẹ nhõm bởi ca trực không sự cố gì. Sáng mồng một Tết, các anh tặng tiền lì xì. Tôi ngạc nhiên “Ơ, lớn rồi mà vẫn nhận được lì xì cơ á?”. Một anh lớn tuổi trong trạm liền trả lời “Ừ, tập tục của trạm mình vậy mà, đến nhà năm mới phải lì xì chứ!". Tôi cười tươi và cảm thấy vui lạ bởi tình cảm của anh em trong trạm. Một cảm giác ấm cúng lan tỏa khi nghĩ về gia đình, như anh trai tôi ở quê, Tết nào cũng không quên mừng tuổi đứa em út vậy.

 

Một giấc ngủ ngắn sau ca trực đêm cuối năm. Giữ lời hứa với cô hàng xóm khi cô dặn đi dặn lại “Không về quê, thì nhớ sang nhà cô ăn Tết!” . Tôi tranh thủ đi chúc Tết và cảm nhận không khí Tết của vùng quê nơi đây. Dù mâm cỗ của người miền núi không giống quê nhà nhưng tấm lòng chân tình của họ đã rút ngắn khoảng cách vùng miền. Tôi càng xúc động khi nhận ra rằng hình như các cô đang muốn truyền hơi ấm của người mẹ cho đứa con khi phải đón Tết xa nhà như tôi. Để tôi hiểu dù ở đâu Từ Bắc hay vào Nam, Tết quê người Việt luôn ấm áp đầy tình người.

 

Hoàng Hồng Nhung


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang