Thứ Sáu, 26/04/2024 02:46:22 GMT+7

Tin đăng lúc 12-03-2016

Lượt xem: 3642

Những "bom tấn" sẽ IPO trong năm 2016 của Bộ Xây dựng

4 Tổng công ty lớn thuộc Bộ Xây dựng đã "lên nòng" chuẩn bị cổ phần hóa, nhưng tình hình hiện tại của họ vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề.
Những "bom tấn" sẽ IPO trong năm 2016 của Bộ Xây dựng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thông tin mới nhất, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành cổ phần hóa 4 tổng công ty thuộc bộ này gồm Tổng công ty Sông Đà, TCT Đầu tư Phát triển nhà và đô thị HUD, TCT Đầu tư Phát triển Đô thị & KCN IDICO trong quý 2/2016. Riêng TCT Xi-măng Việt Nam (VICEM) do phải thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu một số nhà máy xi măng nên dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào cuối năm 2016.

 

Cả 4 Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp và đang phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thẩm định trước khi Bộ Xây dựng phê duyệt và công bố theo quy định.

 

Tổng công ty Sông Đà

 

Tổng công ty Sông Đà được thành lập từ năm 1961. Công ty tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các nhà máy điện, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp, công trình dân dụng; chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng; cung cấp dịch vụ nhân lực, công nghệ xây dựng, kinh doanh bất động sản.

 

Đây là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, chiếm 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện.

 

Theo thông tin từ tổng công ty, năm 2014, Sông Đà đạt hơn 21.000 tỷ đồng doanh thu và tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 254 tỷ. Kết quả kinh doanh năm 2015 chưa được công bố.

 

Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD)

 

Tiền thân là Công ty Đầu tư phát tiển nhà và đô thị, HUD được hình thành với nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển đô thị và nhà ở trong và ngoài nước, trong đó tập trung phát triển đô thị và nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

 

Năm 2010, HUD được thí điểm hình thành Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam gồm Viglacera, Hancorp, Viwaseen và Tổng công ty Bạch Đằng. Sau 2 năm triển khai, mô hình này không đáp ứng được yêu cầu nên Chính phủ yêu cầu tái tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn HUD và các đơn vị thành viên theo mô hình Tổng Công ty. Khi đó vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng.

 

Tên tuổi của HUD gắn liền với những dự án khu đô thị mới ở phía Nam thành phố như Định Công (35ha), Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (184ha)… Tuy nhiên, với việc đầu tư dài trải, gặp phải bong bóng bất động sản, HUD đã rơi vào tình trạng khó khăn.

 

Theo kết luận của thanh tra Chính Phủ, những khoản nợ của HUD quá lớn, thậm chí phát sinh nợ quá hạn, kinh doanh kém hiệu quả. Đến nay các khoản nợ phải trả của HUD lên tới 6.684 tỷ, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền.

 

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem)

 

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 1/4/1980. Vicem hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và phân phối xi măng với tổng công suất 20 triệu tấn xi măng/năm, chiếm 34% thị phần xi măng cả nước.

 

Vicem sở hữu 8 đơn vị thành viên gồm Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân và Vicem Tam Điệp. Trong đó, 5 doanh nghiệp thành viên đã hoàn thành xong cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên.

 

Kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) phải lùi lại so với dự kiến ban đầu, bởi doanh nghiệp này được giao nhận lại 2 công ty xi măng thua lỗ lớn là Xi măng Sông Thao (từ HUD) và Xi măng Hạ Long (từ Tổng Sông Đà).

 

Xi măng Hạ Long có công suất 2,1 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 6.760 tỷ đồng (đội lên 2.776 tỷ so với dự toán ban đầu). Đến tháng 9/2013, lỗ lũy kế của Xi măng Hạ Long là 2.098 tỷ đồng. Công ty này đã vay nợ 5.196 tỷ đồng thông qua chủ đầu tư Tổng công ty Sông Đà. Năm 2013, Sông Đà đã dùng nguồn vốn vay bảo lãnh nước ngoài cho Hạ Long vay lại 3.335 tỷ đồng. Thế nhưng, Xi măng Hạ Long không có khả năng chi trả.

 

Về phía xi măng Sông Thao, Tổng công ty HUD - đơn vị chiếm 74,37% vốn điều lệ. Công ty này có công suất 2.500 tấn clinker/ngày. Sau 3 năm hoạt động, Xi măng Sông Thao ghi lỗ hơn 306 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, riêng khoản nợ trong nước của Nhà máy đã là hơn 641 tỷ đồng.

 

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam IDICO

 

IDICO được biết đến như một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Điện năng, Giao thông, Thi công xây lắp…

 

Riêng trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, IDICO đã và đang đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành 17 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích khoảng 7.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng như Khu công nghiệp Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch 5 - Tỉnh Đồng Nai; Mỹ Xuân A, Phú Mỹ II - Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Kim Hoa - Tỉnh Vĩnh Phúc; Quế Võ 2 - Tỉnh Bắc Ninh…

 

Tính đến năm 2015, vốn chủ sở hữu của IDICO đạt 2.600 tỷ đồng; Tổng giá trị tài sản 12.455 tỷ đồng;Tổng giá trị sản lượng đạt 9.025 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2015 đạt 272 tỷ đồng.

 

Theo Tú Linh/Trí Thức Trẻ


Tag:IPO

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang