Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:58:50 GMT+7

Tin đăng lúc 20-05-2019

Lượt xem: 1731

Những giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công quốc gia hai năm 2019 – 2020

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1288/QĐ-TTg, Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2014-2018 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong việc khuyến khích công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Những giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công quốc gia hai năm 2019 – 2020
Các đại biểu tham quan một số gian hàng SPCNNTTB giai đoạn 2014 - 2018

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục nhưng nhìn chung, các hoạt động KCQG đã được triển khai thực hiện hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng. Các đề án khuyến công đã phát huy được lợi thế vùng, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của ngành và từng địa phương. Các DN, cơ sở CNNT được hỗ trợ đã có chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật thành công đã được nhân rộng, có những mô hình còn mang tính đại diện cho cả vùng và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường, giúp doanh thu của DN, cơ sở CNNT tăng trung bình khoảng 20%, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT của mỗi tỉnh. Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

 

Đặc biệt, việc thực hiện các đề án điểm, đề án nhóm đã phát huy được ưu điểm đó là hình thành được các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong cùng một ngành hàng, kết nối cung – cầu giữa các DN, cơ sở CNNT, giúp tối ưu hóa trong quá trình đầu tư của các đơn vị.

 

Bên cạnh đó, công tác khuyến công vùng cũng đã tạo được sự liên kết giữa những người làm công tác khuyến công, có sự trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, từ đó, từng bước thống nhất cách thức triển khai thực tế và chuẩn hóa trong khâu thanh toán, góp phần làm cho hoạt động khuyến công ngày càng chặt chẽ. Hệ thống khuyến công trên toàn quốc đã từng bước được hình thành, củng cố, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả…

 

Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời, nâng cao hiệu quả Chương trình KCQG đến năm 2020, Cục Công Thương địa phương đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho các DN, cơ sở CNNT; Chú trọng nâng cao năng lực tư vấn phát triển CNNT; Đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; Tăng dần số lượng cơ sở CNNT nhận thức được lợi ích, tầm quan trọng của việc áp dụng sản xuất sạch hơn và áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất; Đặt nền tảng cho hợp tác quốc tế về khuyến công; Đảm bảo có ít nhất 30% địa phương xây dựng được đề án KCQG điểm và hoàn thành 100% các đề án được giao.

 

 

Máy cắt dây CNC của Cty TNHH SX và TM Tùng An được hỗ trợ từ kinh phí KCQG 2018

 

Để hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ này, yêu cầu đặt ra cho hoạt động khuyến công trong thời gian tới là phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những yếu kém, tập trung có trọng tâm trọng điểm để đẩy nhanh nhịp độ phát triển CNNT.

 

Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hoạt động khuyến công được triển khai thuận lợi, hiệu quả và đúng quy định. Củng cố, ổn định bộ máy tổ chức, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ làm công tác khuyến công theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời, tăng cường hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng.

 

Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm hay trọng phát triển ngành và hoạt động khuyến công.

 

Tập trung hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm các đề án tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương. Khắc phục tình trạng hỗ trợ dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Đẩy mạnh nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các DN, cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác.

 

Tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình. Trong đó, chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức của toàn xã hội trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNNT. Ngoài ra, tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách khuyến công và phát triển công nghiệp, thương mại…

 

Có thể nói, hoạt động khuyến công thời gian qua đã khuyến khích, hỗ trợ CNNT phát triển theo đúng định hướng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của các địa phương, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn./.

 

Ngô Quang Trung

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang