Thứ Tư, 24/04/2024 20:24:56 GMT+7

Tin đăng lúc 08-04-2022

Lượt xem: 1038

Những quy định mới về hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam

Từ ngày 01/01/2022, Nghị Định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử (Nghị định TMĐT) có hiệu lực thi hành. Nghị định mới có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau:
Những quy định mới về hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Thêm nhiều quy định mới về thương mại điện tử

Về phạm vi điều chỉnh:

 

Nghị định bổ sung phạm vi điều chỉnh gồm: Hoạt động TMĐT trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT cần thận trọng khi xác định xem pháp luật chuyên ngành có liên quan của lĩnh vực kinh doanh của mình có quy định về TMĐT hay không.

 

Bổ sung định nghĩa về dịch vụ TMĐT và các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT:

 

Dịch vụ TMĐT là hoạt động TMĐT theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

 

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT không bao gồm các thương nhân, tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.

 

Chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử rộng hơn:

 

Ngoài các chủ thể được quy định tại Nghị định 52/2013, quy định mới bổ sung, sửa đổi thêm: Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng). Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động TMĐT.

 

Phạm vi chủ thể nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Nghị định TMĐT rộng hơn:

 

Chủ thể nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử bao gồm: Các chủ thể nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị Định 85/2021 bao gồm: Chủ thể nước ngoài có website TMĐT dưới tên miền Việt Nam (tương tự như quy định tại Nghị Định 52/2013); hoặc website có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc website TMĐT có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. Đối với trường hợp website TMĐT có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam, số lượt giao dịch được xác định theo báo cáo của các chủ thể nước ngoài có liên quan; hoặc số liệu chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, thuế, quản lý về internet, ngân hàng; hoặc các báo cáo và thông tin công khai, sẵn có đã được xác thực bởi cơ quan quản lý nhà nước; hoặc chủ thể nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT Việt Nam.

 

Đối với hoạt động của chủ thể nước ngoài tại Việt Nam:

 

Chủ thể nước ngoài có website TMĐT phải đăng ký hoạt động TMĐT và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam. Quy định này khác với quy định cũ theo Nghị Định 52/2013 mà không yêu cầu chủ thể nước ngoài phải có văn phòng hoặc đại diện của mình tại Việt Nam và sẽ hạn chế các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam. Các chủ thể nước ngoài có website TMĐT tại Việt Nam phải hoàn thành các yêu cầu trên trước khi hết năm 2022.

 

Với người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam, người bán nước ngoài có thể phải chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam. Chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải xác minh danh tính của người bán nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch của mình.

 

Điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử:

 

Nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo hai điều kiện tiếp cận thị trường bao gồm:

 

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào các dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam thông qua việc thành lập một công ty mới tại Việt Nam hoặc đầu tư vào một công ty hiện có tại Việt Nam. 

 

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 01 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 05 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ TMĐT tại Việt Nam theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an (Thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an là một bước trong quy trình xin giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp liên quan trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại đa số cổ phần của một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Do đó, trong trường hợp này, các bên sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện các yêu cầu pháp lý đối với giao dịch mua bán).

 

Nhà đầu tư nước ngoài chi phối doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là khi thuộc một trong các trường hợp sau: Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp đó; Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên và chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp đó; Có quyền quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó như lựa chọn nền tảng công nghệ; hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức và phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

 

Bổ sung thêm nghĩa vụ của các website TMĐT:

 

Những thông tin cung cấp trên trang TMĐT phải đảm bảo thêm yêu cầu đó là: Công bố trên trang chủ website đường dẫn đến các thông tin về chính sách kiểm hàng, hoàn trả hàng; Phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận; Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

 

Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng. Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

 

Bổ sung thêm hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT:

 

Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau đây được coi là sàn TMĐT: Cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; Có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

 

Bổ sung thêm trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT:

 

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: (1) Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật; (2) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; (3) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử; (4) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; (5) Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.

 

Cùng với đó, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên; Thường xuyên cập nhật từ khóa theo khuyến cáo từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên website; Tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn.

 

Bổ sung thêm trách nhiệm đối với những sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến:  

 

Ngoài các trách nhiệm chung, nhà cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có các nghĩa vụ sau: Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu; Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao TMĐT theo quy định của pháp luật Việt Nam; Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng nếu giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn hai bên tham gia; Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán; Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều này mà gây thiệt hại…

 

Trong điều kiện TMĐT phát triển nhanh như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT là việc làm rất cấp thiết. Đây không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi giải quyết các tranh chấp liên quan, mà còn giúp để bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông qua TMĐT an toàn./.

 

PV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang