Thứ Sáu, 29/03/2024 07:28:24 GMT+7

Tin đăng lúc 06-07-2019

Lượt xem: 1611

Ninh Bình: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, nhận được hỗ trợ tích cực từ nguồn kinh phí khuyến công, các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) ở Ninh Bình đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ninh Bình: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp công nghiệp nông thôn
Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của Ninh Bình (làng cói ở Kim Sơn).

Trong năm qua, Công ty CP Thực phẩm Á Châu là doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều lợi ích từ chương trình khuyến công của Ninh Bình. Công ty đã thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản” với tổng mức vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Dây chuyền chế biến nông sản được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có công suất thiết kế lên tới 2.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm của Công ty hiện đã xuất sang rất nhiều nước Đông Âu (Nga, Ukraine) và một số thị trường khó tính thuộc Liên minh châu Âu.

 

Công ty CP Thực phẩm Á Châu chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của tỉnh hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực sản xuất. Trong giai đoạn 2014 – 2018, đã có tổng cộng 91 doanh nghiệp được Trung tâm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Các đề án hỗ trợ này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, doanh thu và lợi nhuận mà còn tạo ra việc làm ổn định cho lao động địa phương.

 

Tuy nhiên, những thách thức trong khâu tìm đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm CNNT ở Ninh Bình vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là sự thay đổi của nhu cầu thị trường, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn... Bên cạnh đó, nguồn kinh phí khuyến công cấp hàng năm tuy đã cho thấy sự tích cực nhưng mức hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn.

 

Tất cả những điều đó đang đặt ra một bài toán lớn cho công tác khuyến công của Ninh Bình trong những năm tới. Làm thế nào tháo gỡ nút thắt này, tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp CNNT phát triển lành mạnh, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất?

 

Trước mắt, Sở Công Thương Ninh Bình đã đề ra nhiều cụm giải pháp thiết thực, cụ thể để cải thiện tình hình. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng đề án tập trung có trọng điểm vào một số lĩnh vực ngành nghề chủ đạo, qua đó tạo động lực bứt phá và chuyển biến rõ rệt.

 

Từ trước đến nay, thế mạnh của Ninh Bình chính là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Do đó, các đề án khuyến công trong thời gian tới sẽ tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp CNNT, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

 

Ngày 26/4 vừa qua, Hội chợ Công Thương Đồng bằng sông Hồng - Ninh Bình 2019 khai mạc đã quy tụ được 260 gian hàng của hơn 120 doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, các sở, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh cùng tham gia. Đây chính là dịp tốt cho các doanh nghiệp, doanh nhân trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư thương mại. Ngoài ra, việc tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ phi tài chính cho cơ sở CNNT áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng đang được chú trọng thực hiện.

 

Trong chiến lược phát triển CNNT dài hơi của mình, Ninh Bình đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề, tạo mặt bằng cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên nguồn vốn cho cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, chú trọng đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống gắn với phát triển du lịch.

 

Minh Châu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang