Thứ Sáu, 29/03/2024 17:18:20 GMT+7

Tin đăng lúc 17-04-2020

Lượt xem: 1458

Ninh Bình: Ưu tiên xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc

Giai đoạn 2016 – 2020, các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và thay đổi đáng kể diện mạo ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh. Trong đó, kinh phí khuyến công trong năm 2020 của Ninh Bình là 7,2 tỷ đồng, ở mức cao so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Ninh Bình: Ưu tiên xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc
Chương trình khuyến công giúp các doanh nghiệp và lao động địa phương có được thu nhập ổn định

Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình đã tập trung đầu tư nguồn lực cho việc xây mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Theo thống kê, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này chiếm 1/3 tổng kinh phí được phân bổ hàng năm. Đơn cử như năm 2019, kinh phí cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là 3,6 tỷ đồng, còn năm 2020 dự kiến là trên 2,5 tỷ đồng.

 

Năm 2019, Trung tâm Khuyến công Ninh Bình đã hỗ trợ 23 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 3,6 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia 3 đề án với kinh phí là 900 triệu đồng. Hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương là 20 đề án với kinh phí hỗ trợ là 2,7 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ 20 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 2,58 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia 3 đề án với kinh phí hỗ trợ là 800 triệu đồng; hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương là 17 đề án với kinh phí hỗ trợ là 1,78 tỷ đồng.

 

Các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc vào sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực với các đối tượng thụ hưởng. Đơn cử, Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát (xã Yên Thành) trước đây chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ các mặt hàng quà lưu niệm. Từ khi được nhận “vốn mồi” từ Trung tâm Khuyến công tỉnh, Công ty đã mở rộng khu sản xuất lên tới 5.000 m2, xây dựng nhà xưởng, lắp ráp dây chuyền sản xuất tiên tiến, phát triển thêm nhiều mặt hàng mới có giá trị cao. Hiện công ty đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

 

 

Hỗ trợ đúng hướng của công tác khuyến công giúp các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn cải thiện rất nhiều năng lực sản xuất

 

Một ví dụ khác là Công ty TNHH đá mỹ nghệ Lâm Tạo (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để đầu tư 4 chiếc máy CNC 3D điêu khắc đá, giúp tạo ra nhiều sản phẩm với độ chính xác cao, chi tiết kỹ thuật tinh vi, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là giúp tăng năng suất lao động gấp 1,5 lần, giải phóng 50% sức lao động chân tay. Thu nhập người lao động ổn định ở mức 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

 

Bằng những biện pháp đồng bộ, hiệu quả và sự hỗ trợ thiết thực, Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình đang đóng vai trò là “bà đỡ” thực sự cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN - TTCN và dịch vụ; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, cải thiện đời sống người dân.

 

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang