Thứ Sáu, 19/04/2024 20:33:10 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2019

Lượt xem: 2319

Ninh Thuận: Phục hưng các làng nghề truyền thống

Nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các đề án khuyến công, các làng nghề truyền thống ở Ninh Thuận đã được bảo tồn, phục hưng, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu, kinh tế.
Ninh Thuận: Phục hưng các làng nghề truyền thống
Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc chế tác bình gốm bằng phương pháp thủ công

Thời gian gần đây, sự hồi sinh của làng gốm Bàu Trúc có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất. Đây được coi là một trong những làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, với tuổi đời khoảng 500 năm. Vài năm trước, vì thiếu hụt thợ lành nghề, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, giá cả bấp bênh, làng gốm cổ nức tiếng xa gần này đứng trước nguy cơ mai một.

 

Trước tình thế đó, hơn 400 hộ dân làm nghề gốm trong làng đã tìm nhiều hướng đi mới đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Trước đây, làng Bàu Trúc chỉ chuyên sản xuất đồ gia dụng bình thường, có giá trị thấp thì nay đã sản xuất ra rất nhiều mẫu mã mới của dòng gốm mỹ nghệ, gốm phong thủy, trang trí nội ngoại thất có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu nhiều khách hàng.

 

Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc hiện có 30 hộ dân với 150 lao động chuyên sản xuất gốm, trình diễn nghệ thuật làm gốm với hàng chục ngàn sản phẩm phục vụ du khách. Các sản phẩm có mẫu mã đẹp, kết hợp hài hòa giữa nhiều phong cách Chăm, Việt, phương Tây. Các chương trình tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm cũng mang tới cho du khách nhiều ấn tượng đáng nhớ.

 

Hiện tại, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 3 làng nghề truyền thống được công nhận gồm: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ cũng như hàng chục làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác như: mây tre đan, mộc mỹ nghệ, đũa mỹ nghệ, chế biến nước mắm… Những năm qua, Ninh Thuận đã tổ chức nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, bình quân, tỉnh dành ra từ 100 – 150 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mở lớp đào tạo nghề, xây dựng website làng nghề, hỗ trợ cơ sở tham gia 4 đến 5 hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành phố…

 

Sự hỗ trợ tích cực của nguồn vốn khuyến công đã giúp các làng nghề truyền thống nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như bảo tồn được nét đặc sắc văn hóa dân tộc. Một ví dụ khác là làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, chuyên sản xuất đồ thổ cẩm với hoa văn độc đáo như khăn trang trí, chăn mền, túi xách, quần áo, ba lô, cà vạt… Nhiều sản phẩm của làng nghề đã vươn ra thị trường quốc tế và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

 

Nhận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, một số hộ đã trang bị máy dệt công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với khung dệt thủ công. Dệt máy cũng đáp ứng tối đa nhu cầu về số lượng, chất lượng vải. Các sản phẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp đang được tiêu thụ rất mạnh tại thị trường miền núi (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng…).

 

Hiện, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Các chương trình cụ thể có thể kể đến như: đào tạo nghề; thành lập doanh nghiệp; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, xử lý môi trường, xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch.

 

Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020 có thêm 4 đến 5 làng nghề được công nhận gồm: nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải); nghề chế biến hải sản thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải); nghề thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá (xã Phước Chiến) và nghề chế biến nước mắm Cà Ná (xã Cà Ná).

 

Minh Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang