Thứ Tư, 24/04/2024 11:47:50 GMT+7

Tin đăng lúc 26-07-2019

Lượt xem: 1317

Nỗ lực phủ điện đến vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ đắc lực cho các địa phương sớm về đích xây dựng nông thôn mới

Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã có 72 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), bằng 64,8%KH năm; trong giai đoạn 2016-2017 chỉ có 55 xã đạt chuẩn NTM, Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định, xét công nhận 02 đơn vị cấp huvện hoàn thành Chương trình xây dựng NTM là Uông Bí và Cẩm Phả, đưa số huyện đạt chuẩn NTM là 04 đơn vị, đạt 66,6% kế hoạch của tỉnh và bằng 80% kế hoạch Trung ương về xây dựng NTM đến năm 2020.
 Nỗ lực phủ điện đến vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ đắc lực cho các địa phương sớm về đích xây dựng nông thôn mới

Trong 19 tiêu chí để xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí thứ 4 được đánh giá là một trong những “tiêu chí gốc” vì điện luôn “đi trước” và là tiền đề để hoàn thành các hầu hết tiêu chí còn lại.

 

Trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh tự hào đã góp phần vào thành tích làm bừng sáng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - đưa Quảng Ninh sớm về đích Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

 

Đồng thuận cao - Tăng tốc các dự án điện nông thôn

 

“Vạn sự khởi đầu nan” cho các công trình điện nông thôn ở Quảng Ninh vẫn là vốn. Cái khó “đầu tiên” ấy được giải quyết một cách căn cơ khi cả hệ thống chính trị địa phương đã đồng thuận vào cuộc. Ngành điện, mà trực tiếp là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã thu xếp, dành được nguồn vốn quý giá, cộng hưởng với nguồn đối ứng của Quảng Ninh, các dự án điện nông thôn cho tiêu chí số 4 được hình thành. Khởi công! Đó là mệnh lệnh đầy tính nhân văn mà Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai.

 

Từ tháng 8/2009, EVNNPC và UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất phối hợp triển khai việc đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn tỉnh Quảng Ninh được triển khai tại 182 thôn, khe bản thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của 12 huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh, trừ thành phố Hạ long và huyện đảo Cô Tô.

       

Qui mô dự án điện nông thôn tỉnh Quảng Ninh bao gồm: Xây dựng 267,4 km đường dây trung áp; 179 trạm biến áp với tổng công suất 11.479 kVA; 429,613 km đường dây hạ áp và 9.402 công tơ đo đếm. Trong đó:

 

Giai đoạn 1: Xây dựng 45,447 km đường dây trung áp; 18 trạm biến áp với tổng công suất 1.246 kVA; 57,406 km đường dây hạ áp và 1175 công tơ đo đếm. Mức đầu tư lên đến: 51.324 triệu đồng; Trong đó: Vốn địa phương là 20.916 triệu đồng; Ngành điện đảm nhận 30.408 triệu đồng.

 

Giai đoạn 2: Với quy mô xây dựng 221,893 km đường dây trung áp; 161 trạm biến áp với tổng công suất 10.233 kVA; 372,207 km đường dây hạ áp và 8.227 công tơ đo đếm. Tổng vốn huy động: 321.878 triệu đồng; trong đó: Vốn tỉnh là 129.449 triệu đồng; vốn ngành Điện là 192.429 triệu đồng.

        

Dự án chủ yếu đưa điện về các thôn khe bản, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có điện, địa hình thi công và thời tiết khắt nghiệt, vừa mở đường, vừa thi công, phần lớn tuyến điện đi qua đồi núi, lực lượng xây lắp phải vận chuyển vật tư hầu hết bằng phương tiện thủ công. Riêng công tác GPMB, PC Quảng Ninh nhận được sự quan tâm sâu sát của UBND tỉnh để giải quyết những khó khăn đặc thù của địa phương.

        

Sau hơn 02 năm triển khai đồng loạt, lưới điện đã vươn dài, trải rộng hầu khắp các vùng sâu vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.  Hai giai đoạn thi công dự án điện nông thôn Quảng Ninh đã về đích!

 

 

Nhiều mô hình sản xuất góp phần phát triển kinh tế cho người dân

 

Nông thôn Quảng Ninh chuyển mình trong ánh điện

     

Niềm vui vỡ òa khi điện về các bản làng Quảng Ninh. Dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, cấp điện cho 9.402 hộ dân, đồng bào thôn khe bản, vùng sâu, vùng xa miền núi Quảng Ninh chan hòa trong ánh điện.

     

Có điện, những vùng sâu vùng xa của Quảng Ninh như bừng lên sức sống mới. Đời sống kinh tế, tinh thần dân cư các dân tộc miền núi Quảng Ninh đã thể hiện rõ trong hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống… khi điện không chỉ sử dụng cho tiêu dùng, văn hóa mà chủ yếu phục vụ sản xuất. Giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 20 lần so với năm 2010.

 

Cơ cấu lao động nông thôn, miền núi Quảng Ninh chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp và tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. Đã có gần 39.600 lao động nông thôn trên toàn tỉnh được đào tạo, tỷ lệ lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau đào tạo gần 60%.

 

Nếu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 38,5 triệu đồng/người/năm, tăng 8,97 triệu đồng so với năm 2015, thì năm 2019 khu vực nông thôn Quảng Ninh đạt 41,1 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm 0,7%. Đặc biệt, toàn tỉnh có thêm 12 xã vượt ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đi kèm với các chỉ số tích cực trên là đời sống vật chất, văn hóa, y tế, giáo dục được nâng cao; hệ thống chính trị ở vùng nông thôn được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực…

 

Đánh giá về những kết quả trên, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngoài hạ tầng về giao thông, các hạ tầng về điện dã được tỉnh Quảng Ninh chú trọng quan tâm. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đạt 100% số hộ dân có điện, về đích trước hai năm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu đến 2020, hầu hết các hộ dân đều được sử dụng điện; hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực chung của các ngành, các cấp, đặc biệt ngành điện Quảng Ninh đã chủ động đưa điện đi trước, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí số 4, tạo tiền đề trong việc thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia  xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.

 

 

Quảng Ninh 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hoá, hoặc bê tông hoá   

 

Để không còn vùng sâu, vùng xa nào bị bỏ lại phía sau

 

Trong phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng điện nông thôn trong toàn tỉnh. Trọng tâm của phong trào là rà soát quy hoạch và huy động mọi nguồn lực cùng với địa phương để hoàn thiện lưới điện tại các bản làng còn lại. Tạo động lực mạnh mẽ để đưa Quảng Ninh thực hiện “không có địa phương nào bị bỏ lại phía sau”.

 

 

PC Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện lưới điện nông thôn

 

Trong năm 2019, Quảng Ninh phấn đấu có ít nhất 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó một xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100 thôn đạt chuẩn NTM và 1.000 hộ tham gia xây dựng vườn đạt chuẩn NTM.

 

Hiện, Quảng Ninh đang tập trung phát triển 31 sản phẩm chủ lực cấp huyện theo chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017-2020; thẩm định, hỗ trợ phát triển ít nhất 30 sản phẩm mới theo chương trình OCOP; phát triển mới từ 10 tổ chức kinh tế trở lên tham gia chương trình OCOP.

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định: “Trong công tác xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh không vội vàng, làm đến đâu chắc đến đó, tránh hình thức; kiểm tra chặt chẽ, rà soát kỹ các tiêu chí, không chạy theo thành tích và địa phương nào đã đưa vào kế hoạch thì phải thực hiện được”.       

 

Thực hiện sự chỉ đạo đó, năm 2019 toàn tỉnh đã có 25 xã đăng ký thực hiện đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngành điện Quảng Ninh tự hào tiếp tục giữ vai trò tiên phong tạo động lực mạnh mẽ trên con đường phát triển bền vững của Quảng Ninh.

 

                                                                               Tướng  Văn Thuận

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang