Thứ Sáu, 19/04/2024 00:48:33 GMT+7

Tin đăng lúc 22-01-2020

Lượt xem: 11190

Nở rộ dịch vụ đưa người say về nhà

Khung xử phạt nghiêm khắc dành cho người uống rượu bia lái xe đã khiến dịch vụ đưa người say và xe về nhà bắt đầu phát triển với các mức phí khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động này đang mọc lên một cách tự phát, chưa có quy định cụ thể về quản lý và giám sát.
Nở rộ dịch vụ đưa người say về nhà
Dịch vụ đưa người say về nhà nở rộ sau khi Nghị định 100 có hiệu lực

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ- CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

 

Đối với người điều khiển xe máy từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600.000 đồng.

 

Quy luật cung - cầu

 

Chỉ sau ít ngày ra quân xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xử phạt khá nhiều trường hợp, trong đó mức phạt cao nhất đã lên tới 35 triệu đồng, tước bằng lái xe 23 tháng; người điều khiển xe máy bị phạt 7 triệu đồng cộng với tước bằng 23 tháng.

 

Chính vì mức phạt cao gấp nhiều quy định cũ, cùng với việc bị tước bằng lái xe lên tới 2 năm lại đang dịp cận Tết Nguyên đán 2020 khiến nhiều “dân nhậu” hoang mang và các dịch vụ đưa người say về nhà bắt đầu được quan tâm.

 

Nắm bắt được xu thế, trên kho ứng dụng, ứng dụng Rada mới thêm mục “Cứu hộ giao thông” với dịch vụ “Đưa tôi về nhà - tôi say rồi”. Người dùng chỉ cần click và truy cập vào ứng dụng sau khi vừa sử dụng đồ uống có cồn, dịch vụ này sẽ đưa người về nhà, đưa phương tiện về bãi đỗ và đảm bảo an toàn cho phương tiện, tài sản của khách hàng.

 

Theo thông tin từ Rada, dịch vụ hiện có mức giá 300.000 đồng/ lượt (bao gồm cả người và xe) đối với xe máy. Trong khi đó, mức phí đối với ô tô là 500.000 đồng/lượt (bao gồm cả người và xe).

 

Không chỉ Rada, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một vài nhóm tự phát được lập ra với mục đích kết nối giữa những người có nhu cầu cần tìm tài xế khi đã sử dụng các chất cồn. Các nhóm, cộng đồng này ra đời với mục tiêu kết nối dịch vụ cho người uống rượu bia cần tìm lái xe và lái xe nhận chở người uống rượu bia.

 

Có thể kể đến như nhóm “Say gọi xế - xế nhận say” trên Facebook, mới chỉ được thành lập đầu tháng 1/2020 nhưng đã thu hút tới hơn 1.300 thành viên tham gia. Theo đó, người cần đưa về cung cấp thông tin về khu vực, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe. Giá dịch vụ do hai bên tự thỏa thuận tùy theo địa lý.

 

Bên cạnh đó, còn có những cơ sở cung cấp dịch vụ do các cá nhân thành lập như “Lái xe hộ-đưa người say về nhà”. Giá dịch vụ cho mỗi lần đưa đón với phạm vi dưới 10km sẽ có giá 250.000 đồng, từ 10- 15km sẽ có giá 300.000 - 350.000 đồng/lượt, xa hơn nữa sẽ tiếp tục tính thêm như đi taxi.

 

Rủi ro tiềm ẩn

 

Thực tế, các dịch vụ, ứng dụng đưa người say về nhà không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới do chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển giao thông khá nặng.

 

Phát triển mạnh nhất mảng dịch vụ này phải nhắc tới Hàn Quốc. Theo thống kê của Hiệp hội Dịch vụ lái xe, hiện đang có 100.000 tài xế lái xe thuê phục vụ 700.000 khách/ngày trên toàn quốc, hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại.

 

Người dùng đăng nhập ứng dụng, đặt yêu cầu và trung tâm điều phối sẽ cử lái xe tới phục vụ. Người lái xe thuê sẽ tới địa điểm có xe của khách và lái xe tới địa điểm được yêu cầu, rồi nhận phí từ 10.000 – 30.000 Won (tương đương 200.000 – 600.000 đồng).

 

Tại Việt Nam, những dịch vụ tương tự cũng đã xuất hiện từ một vài năm trước, nhưng ít được biết đến và sử dụng. Nguyên nhân là do mô hình này chưa được đầu tư nghiêm túc, trong đó thói quen tự lái xe khi say của người Việt được xem là nguyên nhân chính.

 

Trước diễn biến nở rộ của loại hình dịch vụ này, câu hỏi về sự an toàn cho tính mạng và tài sản của cả người lái xe hộ và khách hàng đã được đặt ra, bởi 90% khách hàng tìm đến dịch vụ là những người đã uống rượu say nên khó tránh khỏi những hành vi sai trái.

 

Theo chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ lái xe hộ, nhiều lái xe của mình đã phải trải qua những tình huống “dở khóc, dở cười” như khách kêu mất tiền, chửi bới khi say, hoặc nôn mửa phải dọn, có khách không chịu thanh toán, thậm chí có người say quá quên cả địa chỉ nhà và lái xe phải chờ cho đến khi họ tỉnh dậy mới đưa được về nhà.

 

Đáng chú ý, tại Trung Quốc đã từng xuất hiện xu hướng một số tài xế đã cho phép người khác sử dụng giấy phép của mình, trong đó có cả những người có tiền án tội phạm có thể gây nguy hiểm cho khách hàng.

 

Trong khi đó, tại Việt Nam, những hình thức này mới mọc lên, còn chưa có quy định về quản lý và giám sát cũng như các khung tiêu chuẩn về lý lịch, độ tin cậy của các tài xế. Ngoài ra, mức phí cho loại hình kết nối này chưa được niêm yết, thời điểm hiện nay vẫn là sự thoả thuận giữa khách hàng và tài xế, rất dễ xảy ra tình trạng chèn ép.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang