Thứ Sáu, 29/03/2024 04:12:00 GMT+7

Tin đăng lúc 14-09-2017

Lượt xem: 2112

Nước ngọt tăng giá 12% nếu bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng các thuế khác sẽ đẩy giá nước ngọt tăng vọt.
Nước ngọt tăng giá 12% nếu bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt
VBA cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt là phân biệt đối xử so với các loại thực phẩm khác có chứa đường.

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có văn bản nêu ý kiến về kế hoạch áp thuế tiêu thụ đặc biệt là tăng một số loại thuế khác của Bộ Tài chính. Cụ thể, theo phân tích của hiệp hội này, các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt sẽ chịu các loại thuế và mức tăng trong đợt điều chỉnh mới bao gồm: thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là 10%; thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

 

Theo VBA, nếu được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường.

 

“Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm doanh số có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động… Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển”, văn bản của VBA nêu.

 

Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, các loại nước ngọt sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, gồm nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt.

 

Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất. Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Tuy nhiên, cơ quan này thích phương án đầu tiên hơn.

 

Bộ này cũng đưa ra 3 lý do về quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt là nhằm cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách, phù hợp với xu hướng quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh bệnh tiểu đường và béo phì.

 

Tuy nhiên, VBA không đồng thuận với lý do thứ ba vì cho rằng cần phải có chứng minh một cách khoa học về việc nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường và bệnh béo phì hay không, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không.

 

Hiệp hội này cũng cho rằng, khái niệm “nước ngọt” cần được xác định rõ ràng hơn. VBA đặt vấn đề “nước ngọt” mà Bộ Tài chính nêu là nước uống có đường hay tất cả đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không. Trường hợp “nước ngọt” được định nghĩa là đồ uống có đường thì theo hiệp hội, mức thuế cần áp dụng thay đổi theo hàm lượng đường với lý do sản phẩm có hàm lượng đường khác nhau thì sẽ có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau.

 

VBA tuyên bố, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt và thay đổi một số loại thuế với nước ngọt là sự phân biệt đối xử giữa đồ uống và các loại thực phẩm có vị ngọt hoặc chứa đường.

 

“Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các loại bệnh đó. Có rất nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt, nhưng cơ quan soạn thảo lại chỉ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt”, VBA nhận định.

 

Trước đó, Bộ Tài chính cũng dẫn thực tế nhiều nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường. Ví dụ, tại Thái Lan, nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD một chai 440cc; nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD mỗi chai 440 cc. Lào hiện cũng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt khoảng 5-10%. Campuchia áp thuế với nước ngọt là 10%. Ba nước ASEAN cũng đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là Myanmar (dự kiến thu thuế 5%), Philippines (dự kiến thu 10 peso mỗi lít), Indonesia (dự kiến thu 3.000 rupiah một lít).

 

Phản biện lại chứng cứ này, VBA cho hay, thị trường lớn cạnh Việt Nam là Trung Quốc không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Ngành bia – rượu – nước giải khát đang góp cho ngân sách 50.000 tỷ đồng mỗi năm nên hiệp hội này kiến nghị cần có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở biện chứng rõ ràng về quyết định áp thuế và tăng thuế.

 

Trong trường hợp phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt, hiệp hội cho rằng phải áp thuế tất cả hàng hóa thực phẩm có chứa đường nhưng ở mức thấp từ 1% đến 3%, hoặc chỉ áp thuế với sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao.

 

Nguồn Vnexpress.net


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang