Thứ Sáu, 26/04/2024 00:17:07 GMT+7

Tin đăng lúc 19-09-2018

Lượt xem: 1413

Ðón sóng đầu tư, cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực

Tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng nhân sự và nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài hay các DN Start-up (khởi nghiệp) ngày một tăng cao, nhưng khả năng đáp ứng của thị trường chưa tương xứng. Vấn đề này đã và đang đặt ra cho công tác đào tạo của thành phố những thách thức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế 4.0.
Ðón sóng đầu tư, cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực
Thanh niên tham gia các sàn giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Thành đoàn thành phố tổ chức.

Thành lập vào năm 2016, Công ty TNHH Công nghệ phần mềm Go-Ixe, một DN khởi nghiệp đóng tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) liên tục mở rộng thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố để cung cấp phần mềm dịch vụ đặt xe qua mạng. Nguồn nhân lực mà công ty ưu tiên tuyển dụng là kỹ sư lập trình có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) tốt để lập trình các ứng dụng mới, để cung cấp sản phẩm cho đối tác và thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Go-Ixe chia sẻ: Nhu cầu tuyển dụng nhân sự của công ty chưa được thị trường đáp ứng vì nhiều nhân sự có trình độ về lập trình lại không bảo đảm khả năng ngoại ngữ hay thiếu những chuyên gia lập trình có kinh nghiệm. Ðiều này, sẽ là hạn chế cho các DN Start-up vì trong thời kỳ của nền công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực phải đáp ứng nhiều tiêu chí như năng lực lập trình, quản lý điều hành, phát triển thị trường để DN cung ứng sản phẩm một cách nhanh nhất. Bộ phận nhân sự của một công ty tài chính chuyên về cho vay tiêu dùng đóng trên địa bàn quận 10 cũng đang rốt ráo tìm đội ngũ nhân sự để phát triển hệ thống chi nhánh, có chuyên môn về phân tích dữ liệu thị trường và hỗ trợ các sản phẩm tài chính cho vay. Ðể mở rộng các kênh tuyển dụng nhân sự, ngoài tuyển dụng trực tiếp, công ty này chọn ứng viên từ các công ty, các trang web cung cấp nhân sự lớn nhằm bảo đảm nguồn nhân lực phong phú và chất lượng. Bộ phận nhân sự của công ty này cho biết: Qua các kênh tuyển dụng, chúng tôi chỉ có thể tuyển được 30% nhu cầu của ban giám đốc đặt ra vì nguồn nhân lực nhìn chung có trình độ ngoại ngữ yếu, không đạt chuẩn, vẫn còn thiếu các bạn trẻ tư duy nhanh nhạy, có khả năng làm việc nhóm và sẵn sàng cập nhật các kỹ năng cần thiết.

 

Theo bộ phận Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự thuộc Tập đoàn Manpower, một tập đoàn chuyên về tư vấn và cung cấp nhân sự: Hiện nay nhân lực chất lượng cao có năng lực quản lý, điều hành, có chuyên môn về công nghệ thông tin, kỹ sư, kiểm toán, tài chính… luôn được các nhà tuyển dụng ưu tiên, săn đón. Trong thời kỳ công nghệ số và nền công nghiệp 4.0, thị trường tuyển dụng "nóng" với các kỹ sư phần mềm xây dựng các ngôn ngữ lập trình mới, phục vụ cho các công ty Start-up hoặc một số DN chuyên về lĩnh vực thương mại điện tử, vận tải, kinh tế chia sẻ, các công ty chuyên về phân tích dữ liệu, hỗ trợ các sản phẩm tài chính (bảo hiểm, ngân hàng). Ðiểm chung là tất cả DN đòi hỏi nhân sự phải có tư duy nhanh nhạy, có kỹ năng chuyên môn sâu và chịu áp lực cao của công việc. Qua cung cấp ứng viên cho các DN Start-up và DN có vốn đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự thuộc Tập đoàn Manpower nhận định: Các công ty này sẵn sàng trả lương cao (20 đến hơn 50 triệu đồng/tháng) cho các vị trí then chốt của công ty như bộ phận công nghệ và quản lý điều hành. Tuy nhiên, qua thống kê, Manpower mới đáp ứng được 20% nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao mà các DN có nhu cầu tuyển dụng. Ðiểm mạnh của nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung rất dồi dào nhưng phần lớn là lao động phổ thông, không có kỹ năng. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh: Trong bối cảnh làn sóng đầu tư trong nước và nước ngoài đang ngày càng tăng lên, nhất là đối với các ngành dịch vụ và ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao (thí dụ: ngành ma-két-tinh, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp, công nghệ, thông tin, điện, điện tử, cơ khí và hóa chất,...) đòi hỏi lao động phải có trình độ và kỹ năng cao nhưng nguồn nhân lực để đáp ứng vẫn là bài toán cần phải giải quyết. Mặc dù trong các năm qua, số lượng đào tạo ở trình độ đại học trở lên gia tăng đáng kể, nhưng chất lượng phần lớn chưa đạt các tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trung tâm này dự báo, nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 đến 2025 bình quân mỗi năm có khoảng 300 nghìn chỗ làm việc (150 nghìn chỗ làm việc mới). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, đại học chiếm 18%, trên đại học chiếm 2%...

 

Xu hướng phát triển của thành phố như hiện nay đã thúc đẩy thị trường lao động phát triển nhanh và đi vào chiều sâu hơn. Nhiều cơ hội việc làm mở ra, đồng thời yêu cầu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trang bị nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin... Từ đó đòi hỏi người lao động phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để hình thành tri thức, bản lĩnh, vững vàng phục vụ cho việc hội nhập.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang