Thứ Ba, 23/04/2024 17:54:21 GMT+7

Tin đăng lúc 28-05-2023

Lượt xem: 438

PC Lạng Sơn: Phát huy hiệu quả các tính năng của công nghệ số trong quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp

Từ năm 2021 tới nay là khoảng thời gian trọng tâm Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) thực hiện kế hoạch chuyển đổi số vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, kỹ thuật vận hành. Trong đó, đáng chú ý là việc Công ty đã đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện.
PC Lạng Sơn: Phát huy hiệu quả các tính năng của công nghệ số trong quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp
Theo dõi lưới điện vận hành bằng phần mềm Quản lý vận hành lưới điện OMS

Có thể nói đến nay, PC Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nhất định về chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp, qua đó góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

 

Hiện nay, lưới điện của tỉnh Lạng Sơn đang được cấp bởi 07 trạm biến áp và 238,3 km đường dây 110 kV với tổng công suất đặt là 395 MVA (Tài sản ngành điện: 6 TBA/370 MVA, tài sản khách hàng: 1 TBA/25 MVA); 3.183,13 km đường dây trung áp và 5.669,88 km đường dây hạ áp, cung ứng điện cho 259.592 khách hàng sử dụng điện… Tuy nhiên, với đặc điểm là một tỉnh miền núi có địa hình khó khăn, phức tạp, địa bàn trải dài và dân cư phân bổ rải rác nên việc quản lý vận hành lưới điện đảm bảo an toàn, liên tục, nâng cao độ tin cậy… đòi hỏi công nhân viên lao động PC Lạng Sơn phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ… để hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát, điều hành hệ thống điện. Trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác vận hành được Công ty xác định đóng vai trò chủ đạo và then chốt trong việc chuyển đổi số vận hành hệ thống điện.

 

 

PC Lạng Sơn khai thác thông tin thiết bị quản lý vận hành trên phần mềm PMIS

 

Với mục tiêu số hóa trong lĩnh vực quản lý vận hành hệ thống điện, các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện đã được PC Lạng Sơn thực hiện trên các hệ thống phần mềm như: Hệ thống báo cáo vận hành hệ thống điện; Hệ thống quản lý kỹ thuật; Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa trên lưới điện; Hệ thống quản lý thông tin mất điện (OMS), tổng hợp báo cáo vận hành lưới điện…

 

Nổi bật trong công tác chuyển đổi số trên lĩnh vực quản lý vận hành là đơn vị đã đưa vào sử dụng chương trình quản lý kỹ thuật vận hành PMIS. Đây là phần mềm chuyên dụng có tính mở, được dùng để theo dõi tình trạng vận hành các đường dây dẫn điện và các thiết bị, bao gồm: Đường dây dẫn điện, cột điện, các thiết bị điện như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly, tụ điện, máy biến dòng điện, máy biến áp, các thiết bị phụ trợ…

 

Nếu như trước đây, công tác theo dõi, quản lý vận hành các thiết bị điện và đường dây dẫn điện đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công như: Nhập dữ liệu trên bảng tính Excel, Word thông thường theo biểu mẫu chung; Lý lịch thiết bị, in ấn thành bản cứng lưu tại nơi/trụ sở vận hành để tra cứu, theo dõi trong quá trình vận hành. Ngoài ra, để duy trì, theo dõi thiết bị trong vận hành có tính kế thừa, cộng dồn cần phải viết bằng tay rất bất tiện, mất nhiều công sức, dễ nhầm lẫn, thiếu sót và bị động trong công tác đưa ra các kế hoạch về đại tu, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị do trên lưới điện có hàng nghìn thiết bị cần phải theo dõi. Đặc biệt, việc lưu trữ bản cứng rất cồng kềnh, tăng chi phí quản lý. Mặt khác, lưu trữ bản cứng dễ bị ẩm mốc, mối mọt, thất lạc, xuống cấp, không truy cập được từ xa, mất thời gian tìm kiếm qua đó chưa thể nâng cao chất lượng dịch vụ cấp điện cho khách hàng.

 

Chính từ những bất cập như vậy, phần mềm PMIS đi vào khai thác đã khắc phục được những tồn tại trên. Theo đó, phầm mềm PMIS được PC Lạng Sơn thực hiện dựa trên nền tảng số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu lưới điện theo dạng cây sơ đồ nguyên lý, chi tiết đến từng vị trí cột. Việc cập nhật dữ liệu lưới điện mỗi khi có biến động do công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, di dời lưới điện… được truy xuất các số liệu báo cáo dưới các dạng biểu mẫu quản lý kỹ thuật một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đồng thời, dựa trên các số liệu được cung cấp sẽ giúp các bộ phận chuyên môn tham mưu cho lãnh đạo Công ty đưa ra những phương án nhanh nhất, tốt nhất trong việc nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, cũng như suất sự cố trên lưới điện. Điều này đã và đang mang lại lợi ích kinh tế - kỹ thuật cho PC Lạng Sơn, qua đó đáp ứng được mục tiêu đề ra như: Số hóa hồ sơ tài liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, đưa ra các cảnh báo dựa vào thông số vận hành, công cụ hỗ trợ thống nhất và chuẩn hóa quy trình, giảm tồn kho vật tư thiết bị, tối ưu năng lực khai thác thiết bị, hỗ trợ lập kế hoạch mua sắm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đánh giá chất lượng thiết bị.

 

 

Kiểm soát thông tin thiết bị quản lý kỹ thuật vận hành trên phần mềm PMIS

 

Cùng với đó, phần mềm đã giúp tổng hợp thông tin các sự cố và công tác trên lưới điện mà đơn vị đang quản lý; Hỗ trợ thiết lập, nhắc nhở và báo cáo kết quả các công việc như kiểm tra định kỳ ngày/đêm đường dây và trạm biến áp, thí nghiệm định kỳ các vật tư thiết bị trên lưới theo đúng tần suất quy định. Qua đó, giúp cho các đơn vị quản lý vận hành quản lý đầy đủ các thông tin về hệ thống lưới điện bao gồm: Lý lịch thiết bị; Tình hình vận hành; Tình hình sự cố; Thông tin về thí nghiệm định kỳ, sửa chữa, bảo dưỡng...

 

Việc ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật thiết bị PMIS đã đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ngày càng cao và phục vụ khách hàng ngày một hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, ứng dụng phần mềm này còn thể hiện sự quyết tâm của PC Lạng Sơn trên lộ trình chuyển đổi số, từng bước hoàn tất công tác số hóa dữ liệu, số hóa các quy trình nội bộ và chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu tập trung và các ứng dụng trên nền bản đồ. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu chung là đưa EVNNPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025”.

 

Thời gian tới, PC Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, đồng thời tăng cường ứng dụng các thành tự khoa học công nghệ trong mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác quản lý, vận hành nhằm phát huy hiệu quả các tính năng của công nghệ số theo định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

 

Thu Huyền, Tâm Phúc – PC Lạng Sơn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang