Thứ Bẩy, 20/04/2024 08:52:50 GMT+7

Tin đăng lúc 27-03-2023

Lượt xem: 711

PC Lạng Sơn: Ứng dụng công tơ điện tử đo xa đang tạo ra những tiện ích cho ngành Điện và khách hàng

Từ năm 2021 tới nay là khoảng thời gian trọng tâm Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) thực hiện kế hoạch chuyển đổi số vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành lưới điện. Trong đó, đáng chú ý là việc Công ty đã nỗ lực triển khai thay thế lắp đặt hệ thống công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử đo xa nhằm tự động hóa công tác khai thác, vận hành hệ thống phân phối điện, qua đó tạo ra sự minh bạch, nâng cao dịch vụ khách hàng.
PC Lạng Sơn: Ứng dụng công tơ điện tử đo xa đang tạo ra những tiện ích cho ngành Điện và khách hàng
Thời gian qua, toàn Công ty đã tập trung nhân lực để thực hiện thay thế, lắp đặt công tơ điện tử có chức năng đo xa

Hiện nay, PC Lạng Sơn đang quản lý và cung cấp điện trực tiếp cho hơn 256.500 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh. Do đặc điểm là địa phương có diện tích rộng, địa hình phần lớn là đồi núi, đi lại gặp nhiều khó khăn và lượng khách hàng phân bổ nằm rải rác tại khu vực nông thôn, miền núi nên điều này chính là trở ngại cho việc thay thế công tơ cơ khí sang công tơ điện tử đo xa của ngành Điện. Tuy nhiên, bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu nên công tác triển khai lắp đặt công tơ điện tử đo xa đang gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

 

Ông Trần Xuân Quảng - Trưởng Phòng Kinh doanh PC Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, toàn Công ty đã tập trung nhân lực để thực hiện thay thế, lắp đặt công tơ điện tử có chức năng đo xa. Theo đó, các đơn vị Điện lực trực thuộc đã khảo sát lập kế hoạch và bố trí nhân lực, phân công các nhóm công tác thực hiện việc lắp đặt công tơ điện tử đảm bảo khối lượng và tiến độ được cấp theo đợt. Đồng thời, lựa chọn các vị trí lắp thiết bị đo xa phù hợp với từng trạm biến áp, cũng như thống kê chi tiết các hạng mục cần thay thế để chủ động về vật tư, thiết bị cần thiết cho công tác lắp đặt. Đặc biệt, căn cứ theo đề nghị của các Điện lực, PC Lạng Sơn sẽ cung cấp vật tư, thiết bị để các Điện lực tổ chức thực hiện lắp đặt cuốn chiếu theo từng trạm biến áp và trong quá trình thực hiện đều có giám sát đảm bảo các biện pháp an toàn. Đến nay, PC Lạng Sơn đã lắp đặt được hơn 210.337 công tơ điện tử, chiếm hơn 81% tổng số công tơ điện trên toàn tỉnh. Trong đó, số công tơ điện tử có chức năng đo xa là gần 179.770 công tơ, chiếm 69,85% tổng số công tơ điện.

 

Theo ghi nhận, nếu như trước đây, để triển khai đo đếm điện năng, công nhân ngành Điện Lạng Sơn phải trực tiếp ghi chỉ số điện bằng mắt thường mất rất nhiều thời gian và nhân lực, nguy cơ mất an toàn khi phải leo trèo, tiếp xúc gần các thiết bị đang mang điện, việc ghi chỉ số thủ công dễ gây nhầm lẫn, thì hiện nay, với việc sử dụng công tơ điện tử đo xa, việc ghi chỉ số được thực hiện hoàn toàn tự động với độ chính xác cao. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ đo xa bằng công tơ điện tử đã và đang mang lại nhiều tiện ích vượt trội, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp khách hàng sử dụng điện thuận tiện trong việc theo dõi lượng điện năng tiêu thụ và hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình. Thông qua dữ liệu từ các công tơ điện tử được truyền về trung tâm điều hành, sản lượng điện tiêu thụ được cập nhật trên App EVNNPC.CSKH cài trên thiết bị di động. Do vậy, khách hàng có thể chủ động xem sản lượng điện sử dụng của gia đình mình vào bất kỳ thời gian và địa điểm nào, từ đó có thể chủ động điều chỉnh thói quen sử dụng điện phù hợp.

 

Mặt khác, áp dụng công tơ điện tử còn cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng. Công nghệ này góp phần phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát công tác giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện; Giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp và đường dây để nâng cao độ an toàn lưới điện. Cùng với đó là giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động, đồng thời việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động.

 

 

Chia sẻ về những tiện ích trong việc triển khai công nghệ đo xa, lắp đặt công tơ điện tử, ông Phùng Minh Hiếu – Giám đốc Điện lực Văn Lãng bày tỏ: Vài năm trở về trước, anh em công nhân ngành Điện vất vả lắm. Toàn huyện Văn Lãng có 16.350 công tơ điện các loại, do vậy đến ngày chốt chỉ số công tơ, chúng tôi phải huy động một lượng lớn lực lượng tham gia. Ngày nắng thì còn thuận lợi, nhưng vào những hôm mưa gió, việc đi lại hạn chế nên các công nhân phải căng mình đảm bảo tiến độ công việc. Tuy nhiên, từ khi PC Lạng Sơn triển khai công nghệ đo xa, lắp đặt công tơ điện tử, công việc thu thập dữ liệu công tơ đã thuận tiện hơn rất nhiều. Đúng ngày, giờ ghi chỉ số, nhân viên Điện lực chỉ việc trích số liệu sử dụng điện của khách hàng, điều này đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Đặc biệt, cũng chính nhờ việc ứng dụng công tơ điện tử đo xa nên nhân viên phòng Kinh doanh của Điện lực Văn Lãng được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

 

Song song với những lợi ích mà công tơ điện tử mang lại cho ngành Điện, một thực tế cho thấy, nhờ sử dụng công tơ điện tử mà các kiến nghị của khách hàng về hóa đơn tiền điện trong thời gian qua đã giảm rõ rệt… Điều này đã góp phần nâng cao sự hài lòng cho khách hàng cũng như uy tín ngành Điện.

 

Ông Hoàng Văn Minh (Sinh sống tại đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) đánh giá: Kể từ ngày gia đình tôi được Điện lực Thành phố Lạng Sơn lắp đặt thay thế công tơ cơ khí sang công tơ điện tử có chức năng đo xa đã mang lại nhiều tiện ích rõ rệt. Nhờ hệ thống đo, đếm từ xa, kết hợp với việc được nhân viên ngành Điện hướng dẫn cài đặt và sử dụng app EVNNPC.CSKH, tôi dễ dàng giám sát và quản lý số liệu công tơ gia đình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày, qua đó giúp tôi điều chỉnh thói quen sử dụng điện theo hướng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, thông qua hệ thống đo đếm này, tôi thấy ngành Điện đang rất minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Có thể khẳng định, công tác triển khai hệ thống công tơ điện tử đo xa tại PC Lạng Sơn trong suốt thời gian qua đã cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện. Thông qua việc chuyển đổi mô hình thủ công sang bán tự động và tự động trong công tác thu thập số liệu đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu đã góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số trong EVN. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống điện thông minh theo chủ trương của Chính phủ.

 

Tâm Phúc – PC Lạng Sơn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang