Thứ Sáu, 19/04/2024 09:24:55 GMT+7

Tin đăng lúc 11-03-2019

Lượt xem: 1752

Phân bổ hợp lý các khoản chênh lệch tỷ giá vào giá điện

Phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Phân bổ hợp lý các khoản chênh lệch tỷ giá vào giá điện

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm nói chung và điều chỉnh giá điện năm 2019 nói riêng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.

 

Sau khi có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2017 và Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xây dựng các phương án giá điện năm 2019 theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

 

Theo đó, các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thường trực Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

 

Trong đó, về cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương đã dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh và ban hành Quyết định số 4677/QĐ-BCT ngày 18/12/2018 về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, dự kiến cơ cấu các loại hình nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối. Trong phương án tính giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN cập nhật tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện, tiến độ các nhà máy điện theo thực tế đến hết tháng 1 năm 2019.

 

Các yếu tố đầu vào của giá điện 2019 trong phương án giá điện năm 2019 đã đưa vào tính toán các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện.

 

Cụ thể: giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới, giá than thế giới năm 2019 giảm khoảng 7,41% so với năm 2018; Dự báo về giá khí cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới và điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện để 100% các nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường; Thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 1/1/2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019.

 

Các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá). Mức độ phân bổ sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cũng như đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.

 

Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ 30 kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

 

Thống kê giá điện 25 nước năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê. So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia. Nếu giá điện lần này được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,08 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 5/3/2019), mức giá này tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.  

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang