Thứ Năm, 18/04/2024 11:19:19 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2015

Lượt xem: 4554

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp cần chủ động

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp Việt Nam không thể tồn tại và phát triển nếu ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) kém phát triển. Vì vậy, phát triển ngành CNHT là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp cần chủ động
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ nhất, bên phải) trao đổi với các DN Việt Nam tại Triển lãm CNHT của Samsung

Thời cơ đã tới

 

Đã có rất nhiều tập đoàn toàn cầu đầu tư tại Việt Nam như Canon, Samsung, Hyundai, Nokia, LG,… đều có chung mong muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa tại thị trường Việt Nam. Điển hình trong số đó là Tập đoàn Samsung đã “rót” vào Việt Nam gần 10 tỷ USD đê đầu tư vào lĩnh vực điện tử. Hiện, Samsung đang cùng Chính phủ Việt Nam nỗ lực phát triển ngành CNHT nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Để thực hiện mục tiêu này, Samsung đã tổ chức những cuộc triển lãm giới thiệu các linh, phụ kiện mà tập đoàn có nhu cầu đến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

 

Ngày 15/7, Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm - Hội thảo CNHT Samsung điện tử. Tại đây, Samsung đã công bố danh sách hơn 200 linh kiện công ty có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam. Chương trình đã thu hút gần 300 DN Việt Nam tham gia, tìm kiếm cơ hội trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hội thảo không chỉ tạo môi trường kinh doanh lý tưởng cho việc tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất giữa các DN Việt Nam với Samsung mà còn là tiền đề, tạo mối liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

 

Có thể nói, thời cơ cho phát triển ngành CNHT đã tới. Vấn đề còn lại là các DN và cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng cơ hội này(?!).

 

Đừng chỉ trông chờ vào DN

 

Tại triển lãm lần thứ nhất năm 2014 do Samsung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, mới chỉ có 7 DN Việt Nam tham gia làm phụ trợ cho Samsung, năm nay đã lên tới 32 DN (4 DN là nhà cung cấp cấp 1 và 28 DN là nhà cung cấp cấp 2). Bên cạnh đó còn có 1 DN đang có nhiều tiềm năng trở thành nhà cung cấp cấp 1 và 8 DN đang có tiềm năng trở thành nhà cung cấp cấp 2 cho Samsung. Như vậy, tổng cộng có tới 41 DN Việt Nam đã và đang chuẩn bị trở thành đối tác cung cấp hàng cho Samsung điện tử. Đây là thành công bước đầu của Samsung, của Chính phủ và DN Việt Nam sau hơn 1 năm nỗ lực kết nối. Tuy nhiên, chưa vội mừng bởi đây mới chỉ là thành công rất nhỏ so với con đường phát triển CNHT của Việt Nam còn rất dài ở phía trước.

 

Ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Công ty Sản xuất các sản phẩm linh kiện nhựa HTMP (nhà cung cấp số 1 cho nhà máy số 3 của Samsung điện tử chuyên sản xuất máy hút bụi) - cho biết: Để trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Samsung, DN Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều và phải cạnh tranh với những đối thủ là các DN FDI đi theo Samsung sang đầu tư Việt Nam. Vì thế, nếu chỉ trông chờ vào sự cố gắng của DN thì chưa đủ, muốn phát triển CNHT cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua những ưu đãi về thuê mặt bằng, mở rộng nhà xưởng và tiếp cận tín dụng.

 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, muốn phát triển CNHT rất cần chính sách đủ mạnh của Chính phủ. Với suy nghĩ đó, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển CNHT với những cơ chế, chính sách toàn diện, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam.

 

Mục tiêu của Nghị định về phát triển CNHT là tạo sự liên kết giữa DN Việt Nam và các tập đoàn lớn, huy động mạnh mẽ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn DN FDI và DN Việt Nam tham gia đầu tư phát triển CNHT.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang