Thứ Tư, 17/04/2024 06:31:45 GMT+7

Tin đăng lúc 02-12-2016

Lượt xem: 4749

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Kinh nghiệm từ đất nước “Mặt trời mọc”

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển những ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đặc biệt là các ngành có tiềm năng như: Hóa dầu, chế biến nông sản xuất khẩu, kinh tế biển, công nghệ thông tin, ô tô… Tuy nhiên hiện nay, CNHT của Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng. Câu chuyện về phát triển ngành công nghiệp “xương sống” của Nhật Bản sẽ là kinh nghiệm giúp Việt Nam trong công cuộc phát triển CNHT.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Kinh nghiệm từ đất nước “Mặt trời mọc”
Ngành ô tô VN muốn học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản

Để phát triển được ngành CNHT như hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã giúp Nhật Bản thành công trong lĩnh vực CNHT. Hiện nay, chính sách của Nhật Bản là thúc đẩy các DN liên kết với các DN nước ngoài, sử dụng có hiệu quả các phụ tùng giá rẻ của nước ngoài. Duy trì và tăng cường ưu thế về công nghệ và khâu khai thác phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và hỗ trợ các DN mở rộng sản xuất, thâm nhập thị trường ngoài nước. Các DN Nhật Bản rất thành công trong việc “xuất khẩu sản xuất”, tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu, khai thác hiệu quả thị trường quốc tế với sức cạnh tranh cao. Không chỉ vậy, Nhật Bản cũng rất thành công trong việc liên kết các DN trong nước, chính sự liên kết này đã góp phần làm nên sự phát triển CNHT ở Nhật Bản.

 

Nhân lực là vấn đề sống còn cho phát triển bất cứ một ngành nào, vì vậy để phát triển CNHT, cần phải xây dựng được một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa CNHT phát triển. Năm 1985 Nhật Bản đã có Luật khuyến khích phát triển nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo có mối liên hệ thường xuyên với cộng đồng DN, nắm rõ thực tiễn để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu liên kết giữa DN trong nước với các công ty mẹ. Nhật Bản đưa ra chương trình liên kết học đường - doanh nghiệp, tạo ra những lao động kỹ năng cao, trong đó chú trọng đào tạo phong cách và kỷ luật lao động; kiến thức thực tế; tinh thần tập thể trong công ty.

 

Để hỗ trợ ngành CNHT phát triển, Chính phủ Nhật Bản thành lập các hiệp hội và tổ chức tín dụng, bảo lãnh tín dụng, tạo thị trường ngách cho các DN, thông qua các hợp đồng gia công giữa các công ty lớn với các DN nhỏ, tăng cường viện trợ và ký kết các hiệp định kinh tế, thương mại với các chính phủ nước ngoài để mở đường cho các DN CNHT Nhật Bản thâm nhập thị trường thế giới. Nhật Bản cũng thành lập ra Trung tâm Công nghệ tại các địa phương. Trung tâm này thường đưa ra các chính sách phát triển CNHT cho từng địa phương và hỗ trợ các DN tại địa phương đó phát triển CNHT. Đặc biệt, các chính sách phát triển CNHT được Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương tại Nhật Bản thực hiện rất nghiêm túc.

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang