Thứ Ba, 23/04/2024 19:55:05 GMT+7

Tin đăng lúc 05-12-2016

Lượt xem: 5712

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam: Cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển, nhưng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ ngành này vẫn chậm tiến bước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, linh kiện phải nhập khẩu để lắp ráp, dẫn đến giá thành ô tô trong nước khó cạnh tranh được với nhiều nước trong khu vực.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam:  Cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp
Ngành sản xuất ô tô rất cần phát triển mạnh CNHT

Việt Nam (VN) hiện có hơn 50 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước thuộc ngành sản xuất công nghiệp ô tô. Theo quy hoạch phát triển của ngành này đến năm 2020, CNHT ô tô sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 60-80%. Tuy nhiên, sau gần 20 năm phát triển, đến nay ngành CNHT trong nước mới đạt được tỷ lệ nội địa hóa từ 5-20%. Nguyên nhân chính là do khả năng cung cấp linh kiện đầu vào của các nhà cung cấp sản phẩm CNHT cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước còn thấp. Điều này khiến mục tiêu xây dựng CNHT ô tô VN ngang bằng với các quốc gia khác trong khu vực sẽ khó thành hiện thực.

           

Sau 21 năm có mặt tại thị trường VN, Công ty Honda là một trong những DN đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, với gần 30% ở một số dòng sản phẩm. Tuy nhiên, lượng phụ tùng cho quá trình sản xuất của DN hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Do đó, giá thành của sản phẩm đối với người tiêu dùng trong nước còn cao, đây chính là thách thức lớn về phát triển sản xuất của Honda và các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô VN. Theo đại diện lãnh đạo Công ty Honda Việt Nam cho biết, đối với ngành sản xuất ô tô VN nói chung và đối với Honda hiện nay nói riêng, các chi phí sản xuất của ngành công nghiệp ô tô tại VN so với các nước trong ASEAN cao hơn khoảng 20%. Do đó, nhà sản xuất phụ tùng ô tô trong nước không thể cạnh tranh được hàng nhập khẩu”.

         

Nhìn lại câu chuyện phát triển ngành CNHT ô tô Việt Nam 20 năm qua, có thể nói VN vẫn chưa đạt được các mục tiêu phát triển đề ra. Trao đổi với Phóng viên, ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân chính chưa đạt được theo đúng kỳ vọng là do các hãng sản xuất ô tô tại VN đều có các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Thái Lan, Indonexia và Trung Quốc. Khi vào VN, các nhà sản xuất đã tận dụng kết quả của sự liên doanh đó, do vậy, Việt Nam sẽ rất khó có được một ngành công nghiệp ô tô phát triển như mong muốn”.

 

Rõ ràng, ngành CNHT trong lĩnh vực ô tô tại VN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên không phải là không có cơ hội cho ngành này phát triển. Tại Hội thảo “Phát triển ngành CNHT trong lĩnh vực ô tô VN” vừa được tổ chức mới đây, Giáo sư Kobayashi Hideo, Viện Nghiên cứu công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô, Đại học Waseda (Nhật Bản) cho rằng, với lợi thế từ một quốc gia có nền sản xuất linh kiện xe máy khá phát triển, tỷ lệ nội địa hóa chiếm tới khoảng 80%-90%, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển dịch sang sản xuất linh phụ kiện cho ô tô. Trong khoảng thời gian ngắn, nếu các DN phát huy được lợi thế này thì ngành công nghiệp ô tô VN có thể đuổi kịp các nước trong khu vực. Nhưng để làm được điều này, Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu linh kiện để thúc đẩy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tạo mọi điều kiện ưu đãi những DN Việt đủ năng lực sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô. 

          

Thời gian tới, để ngành CNHT ô tô trong nước phát triển, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp; có chiến lược quốc gia nâng cao nhận thức về ngành CNHT, nhất là vị thế của các ngành sản xuất kỹ thuật cao; khuyến khích hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng và nguyên liệu phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết các DN cũng như tranh thủ nguồn lực FDI để thúc đẩy CNHT ô tô của Việt Nam phát triển.

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang