Thứ Sáu, 29/03/2024 02:46:49 GMT+7

Tin đăng lúc 11-11-2016

Lượt xem: 2535

Phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực

Tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra sáng 10/11 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ cùng doanh nghiệp hành động để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân, hướng đến xuất khẩu.
Phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam.

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Giai đoạn 2001-2014, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, đạt 17%/năm.

 

Mỗi năm, chỉ tính riêng các khoản thuế, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng trên 1 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp.

 

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, xe tải đến 7 tấn sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hoá trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỉ lệ nội địa hoá trên 45%.

 

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa. Trong số 400 doanh nghiệp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

 

Mục tiêu đạt tỉ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã không đạt được. Thực tế cho đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Innova, đạt 37%.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng chưa tạo ra được sự hợp tác-liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

 

Mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân cũng không đạt được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

 

Đại diện doanh nghiệp trình bày ý kiến với Phó Thủ tướng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Chính sách đã có, quan trọng là triển khai

 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ưu tiên lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam.

 

Đại diện của Toyota Việt Nam cho rằng, tuy là lĩnh vực được ưu tiên phát triển, nhưng những chính sách hiện nay của Việt Nam thì các nước khác vẫn áp dụng, do đó chưa tạo được cú hích cho ngành ô tô phát triển.

 

Trong khi đó, xuất phát từ tư duy thị trường, doanh nghiệp đương nhiên sẽ hướng tới nhập khẩu nếu chi phí sản xuất bằng hoặc cao hơn. Chính vì vậy, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô chỉ có thể thực hiện được nếu có sự đồng hành của cả Chính phủ và các doanh nghiệp.

 

Giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường ô tô Việt Nam hiện là tương đối đầy đủ, vấn đề là triển khai thực hiện không hiệu quả. Vị này dẫn chứng, trong thực tế, còn tình trạng chưa đồng bộ, thậm chí là khác nhau ngay trong các quy định của cùng một bộ, của các bộ có liên quan. Tình trạng không đồng nhất này gây ra sự khó khăn cho các nhà đầu tư.

 

Theo đại diện của Ford Vietnam, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã rõ ràng, nhưng các chính sách để thực hiện cũng cần cụ thể, minh bạch, dễ dự đoán. Trong quá trình hình thành chính sách, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có quy trình tham vấn dài hơn để doanh nghiệp đủ điều kiện rà soát, tham vấn, góp ý kiến. Đối với các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp.

 

Về tỉ lệ nội địa hoá, đại diện các doanh nghiệp cho biết, họ chắc chắn sẽ tìm kiếm tất cả các khả năng để có thể sản xuất trong nước nếu việc này mang lại hiệu quả. Đại diện Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) cho rằng, không nên đặt ra mục tiêu nội địa hoá, thay vào đó nên đặt mục tiêu cụ thể để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng nêu ý kiến về việc phải chủ động hợp tác, phối hợp, cung cấp chéo sản phẩm cho nhau. Muốn như vậy, Chính phủ cần sớm quy chuẩn hoá một số cụm, chi tiết.

 

Trước thực tế các loại thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm mạnh trong vài năm tới do thực hiện các thoả thuận thương mại, đại diện Công ty Ô tô Trường Hải cho rằng, sẽ có 2 kịch bản. Thứ nhất, các công ty đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, đồng thời có các cơ sở sản xuất lớn hơn tại các nước ASEAN, sẽ cố gắng duy trì sản xuất, duy trì một vài dòng xe, còn lại sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu. Kịch bản thứ 2 là sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư mới của các hãng lớn nhưng chưa có nhà máy tại ASEAN. Cùng với việc thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, rất có thể các nhà đầu tư này sẽ muốn qua Việt Nam để hướng tới thị trường khu vực. Như vậy, nếu có chính sách đúng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với những đánh giá trong báo cáo của Bộ Công Thương về ngành công nghiệp ô tô và cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng cũng đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế như tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng...

 

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua, nhiều mục tiêu của các chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trước đây không đạt. Có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan dẫn đến thực tế này. Chẳng hạn, mục tiêu đề ra quá cao, không phù hợp với thị trường. Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết, chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Một nguyên nhân khác là việc các cơ chế, chính sách đối với ngành ô tô còn thiếu, chưa đồng bộ.

 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc thực hiện các cam kết hội nhập sẽ đặt ngành ô tô Việt Nam trước những thách thức lớn. Tuy nhiên, cơ hội cũng là rất lớn khi thị trường trong nước ngày càng phát triển, chưa tính đến thị trường khu vực.

 

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, tạo động lực phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu.

 

Muốn đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng khẳng định phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, sự đồng thuận giữa Chính phủ và doanh nghiệp, phải lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hay các doanh nghiệp phụ trợ.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn, thể hiện qua việc tăng cường kết nối, phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế. Các doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, lựa chọn sản phẩm chủ lực, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

 

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để bổ sung các chính sách còn thiếu, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp và quan trọng hơn, tạo sự đồng bộ, thống nhất.

 

Một ưu tiên nữa của Chính phủ trong thời gian tới là phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường và triển khai các chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ô tô.

 

Nguồn Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang