Thứ Năm, 25/04/2024 10:39:58 GMT+7

Tin đăng lúc 02-09-2021

Lượt xem: 1227

Phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia
Tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia

Đó là mục đích đặt ra trong dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đang được Bộ Quốc phòng lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

 

Bộ Quốc phòng cho biết, Pháp lệnh CNQP số 02/2008/UBTVQH12 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 26/1/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008; được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Pháp lệnh là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị quân đội quán triệt, tổ chức thực hiện xây dựng CNQP; góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện và qua hội nghị tổng kết nhận thấy Pháp lệnh chưa thể chế đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển CNQP, chưa đáp ứng yêu cầu luật hoá các quy định hạn chế về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; chưa thống nhất đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đã bộc lộ những vướng mắc bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP trong tình hình hiện nay.

 

Do đó, việc xây dựng dự án Luật CNQP trình Quốc hội xem xét thông qua là cần thiết, phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khắc phục được những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh.

 

Vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng

 

Dự thảo đề xuất nguyên tắc xây dựng và phát triển CNQP; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động CNQP; công tác quản lý nhà nước về CNQP; hợp tác quốc tế về CNQP, quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực xây dựng và phát triển CNQP; chính sách đặc thù đối với cơ sở CNQP nòng cốt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ CNQP.

 

CNQP là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và tham gia phát triển kinh tế đất nước.

 

CNQP có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng; tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; hợp tác quốc tế về CNQP. Xúc tiến các hoạt động xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực CNQP.

 

Phát triển công nghiệp quốc phòng tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ xây dựng và phát triển CNQP phải đảm bảo nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Chính phủ; tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường; tự chủ, kết hợp chặt chẽ giữa đảm bảo tăng cường quốc phòng với phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

 

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, như tiết lộ bí mật Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến CNQP, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh; phá hoại, mua, bán, tặng, cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng; mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và sản phẩm chuyên dụng do CNQP sản xuất…

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang