Thứ Tư, 24/04/2024 07:24:08 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2016

Lượt xem: 3033

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Cần “khai thông” chính sách

Doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KHCN) không chỉ là cầu nối đưa nhanh các ứng dụng KHCN vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, các DN chưa “mặn mà” với việc được công nhận là DN KHCN.
Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Cần “khai thông” chính sách
Cần tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp KHCN

Còn quá ít DN KHCN

 

Theo Bộ KHCN, đến nay, cả nước mới có 204 DN được cấp Giấy chứng nhận DN KHCN, chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với số lượng DN đang hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, trong số 204 DN KHCN này, đã có 5 DN giải thể hoặc ngừng sản xuất, 3 DN đã thu hồi giấy chứng nhận do chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ thuộc Sở KHCN TP. Hà Nội - cho biết, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng DN KHCN đã được cấp giấy chứng nhận với 30 DN KHCN. Tuy nhiên, tỷ lệ các DN KHCN trên địa bàn Hà Nội còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng bởi Hà Nội là nơi tập trung tiềm lực KHCN mạnh nhất cả nước với hệ thống nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các DN.

 

Trước vấn đề này, bà Lê Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở KHCN Hải Phòng - cho hay, Hải Phòng là địa phương lớn thứ 3 của cả nước với tổng số DN đang hoạt động khoảng 16.000 DN. Tuy nhiên, việc phát triển DN KHCN của Hải Phòng còn nhiều hạn chế, số lượng DN đạt chứng nhận DN KHCN còn rất nhỏ với 6 DN. Chưa kể, các DN sau khi đạt chứng nhận DN KHCN chưa mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, sản phẩm chưa tiếp cận được với thị trường. Tỷ trọng doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trên tổng doanh thu còn thấp.

 

Ông Trần Đức Hiền, Sở KHCN tỉnh Đắk Lắk cũng bày tỏ, số lượng DN được chứng nhận là DN KHCN tại Đắk Lắk còn ít (mới có 3 DN), tuy nhiên số lượng DN KHCN tiềm năng còn khá nhiều. Đó là các DN tham gia các đề tài, dự án KHCN có các sản phẩm hình thành trong quá trình thực hiện đề tài, dự án về giống cây trồng, thủy sản, dược liệu; các DN nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản phẩm đã được thị trường chấp nhận như các DN trong ngành cơ khí nông nghiệp, vật liệu xây dựng...

 

Khó tiếp cận ưu đãi

 

Bà Hiếu thừa nhận, một trong những lý do các DN KHCN tiềm năng chưa làm thủ tục đề nghị công nhận DN KHCN bởi họ chưa thấy được lợi ích của việc được công nhận. Ngay cả các DN đã được công nhận cũng gặp khó khăn trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập DN, đất đai và các ưu đãi khác từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hay các chương trình KHCN.

 

Đồng quan điểm, ông Lê Minh Thông, Giám đốc Sở KHCN Thanh Hóa - chia sẻ, theo Thông tư số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV thì một trong các điều kiện để công nhận DN KHCN là phải có tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trên tổng doanh thu của DN trong năm thứ nhất đạt từ 30% trở lên, năm thứ hai đạt từ 50% trở lên và từ năm thứ ba trở đi đạt từ 70% trở lên. Thực tế, phần lớn các DN có sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN rất khó đáp ứng điều kiện này nên không đủ điều kiện công nhận DN KHCN.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN cho biết, theo điều kiện chứng nhận DN KHCN thì hầu hết các DN sản xuất phần mềm theo quy định của Luật Công nghệ thông tin đều đáp ứng điều kiện công nhận DN KHCN. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN, DN sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN tương đương với DN KHCN. Một số DN trong các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước với những điều kiện còn dễ dàng hơn so với DN KHCN. Chính vì vậy, các DN này chưa quan tâm đến việc đăng ký chứng nhận DN KHCN.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang