Thứ Sáu, 29/03/2024 01:55:47 GMT+7

Tin đăng lúc 11-06-2022

Lượt xem: 528

Phê duyệt Đề án kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam.
Phê duyệt Đề án kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam

Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn với quan điểm: Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Mục tiêu của phát triển kinh tế tuần hoàn

 

Mục tiêu chung của Đề án là Phát triển KTTH nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

 

Để thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau: Thứ nhất, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

 

Thứ hai, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

 

Đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án KTTH trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.

 

Thứ ba, xây dựng mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

 

Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

 

Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.

 

Thứ tư, xác định mô hình KTTH góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ KTTH.

 

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn

 

Lồng ghép phát triển KTTH trong phát triển KTXH của địa phương.

 

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH tại các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền.

 

Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Nghiên cứu, lồng ghép phát triển KTTH vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

 

Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình KTTH.

 

Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH.

 

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khác của Đề án là chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển KTTH thông qua dự án thử nghiệm cụ thể về KTTH, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với KTTH.

 

Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.

 

Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTTH. Nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển KTTH trong một số lĩnh vực ưu tiên/có thể thí điểm triển khai sớm.

 

Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.

 

Việt Nam đã cụ thể hóa quan điểm về kinh tế tuần hoàn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định việc xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch chi tiêu công xanh; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường…

 

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đó là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hay nói một cách khác, không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang