Thứ Năm, 25/04/2024 17:54:32 GMT+7

Tin đăng lúc 11-12-2018

Lượt xem: 10431

Phiên họp thứ 29, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Bỏ “quy hoạch” phát triển lực lượng quản lý thị trường

Ngày 10/12, thảo luận về Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch tại Phiên họp thứ 29, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 Pháp lệnh Quản lý thị trường(QLTT) theo hướng bỏ từ “quy hoạch” phát triển lực lượng QLTT.
Phiên họp thứ 29, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Bỏ “quy hoạch” phát triển lực lượng quản lý thị trường
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 Pháp lệnh Quản lý thị trường theo hướng bỏ từ “quy hoạch” phát triển lực lượng quản lý thị trường

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhấn mạnh, việc ban hành Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019.


Một trong những nội dung quan trọng được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thường vụ Quốc hội là đề xuất sửa đổi và bổ sung điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh QLTT theo hướng bỏ từ “quy hoạch” tại quy định trên do Pháp lệnh này quy định về quy hoạch phát triển lực lượng QLTT không phù hợp với khái niệm quy hoạch tại Luật Quy hoạch và việc lập quy hoạch này là hành vi bị cấm theo khoản 2 Điều 13 Luật Quy hoạch.

 

“Việc phát triển lực lượng QLTT sẽ được thực hiện theo kế hoạch phát triển lực lượng QLTT đã được quy định tại Pháp lệnh này” - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

 

Đại diện cho cơ quan Thẩm tra cho ý kiến, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, đa số ý kiến tại Cơ quan thẩm tra nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch, cần thống nhất theo nguyên tắc đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, các pháp lệnh có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với Luật Quy hoạch.

 

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Pháp lệnh QLTT, Cơ quan thẩm tra cho hay, trong quá trình thẩm tra có hai nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất tán thành với Tờ trình của Chính phủ, theo đó bỏ cụm từ “quy hoạch” tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh.

 

“Việc sửa đổi này phù hợp với quan điểm khi xây dựng Luật Quy hoạch là khắc phục tình trạng lạm dụng từ quy hoạch, đồng thời phù hợp với nguyên tắc đã được áp dụng khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” - ông Thanh phân tích và cho biết, ở nhóm ý kiến thứ hai, các thành viên Cơ quan thẩm tra đề nghị không sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh QLTT vì đây là quy hoạch về cơ cấu tổ chức bộ máy, lực lượng QLTT, quy hoạch này không phải là quy hoạch mang tính chất sắp xếp, phân bổ không gian theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Quy hoạch và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

 

Tuy nhiên qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với nhóm ý kiến thứ nhất với lập luận rằng, thời gian qua có nhiều quy hoạch có tính chất là quy hoạch sản phẩm nhưng lại không có nội dung phân bố không gian, như: Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xác định các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục xác định số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên được đào tạo... nên nếu căn cứ vào tiêu chí không có yếu tố phân bố không gian để giữ lại các quy hoạch này thì sẽ gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

 

Hơn nữa, quy hoạch lực lượng QLTT tại Pháp lệnh QLTT cũng chưa từng được lập và pháp luật hiện hành cũng không quy định về nội dung quy hoạch, căn cứ lập quy hoạch và trình tự lập, thẩm định, phê duyệt.

 

Thảo luận tại phiên họp chiều nay, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến nói trên và đề nghị Cơ quan thẩm tra rà soát một lần nữa Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang