Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:46:30 GMT+7

Tin đăng lúc 24-12-2015

Lượt xem: 6597

Phòng chống rượu giả rượu lậu

Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam tăng mạnh. Tuy vậy, người tiêu dùng (NTD) cũng phải thường trực với nỗi lo mua phải hàng giả, hàng nhái, rượu lậu... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng.
Phòng chống rượu giả rượu lậu
Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu nhập khẩu

Theo báo cáo về quy hoạch tổng thể ngành rượu bia của Việt Nam công bố ngày 23/12, hiện tại, Việt Nam chỉ quản lý được khoảng 70 triệu lít rượu, còn lại 320 triệu lít là không thể quản lý.

 

70% là...hàng giả

 

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện tượng làm hàng giả hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Tất cả các mặt hàng tiêu dùng từ cao cấp đến bình dân đều có thể bị làm giả, đặc biệt là các mặt hàng có mức tiêu thụ tốt. Điều quan ngại là đối với những mặt hàng liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của NTD như cây trồng, phân bón...

 

“Trong giai đoạn tới, khi chúng ta tham gia hội nhập sâu, câu chuyện chống hàng giả là thách thức rất lớn đối với Nhà nước, cơ quan thực thi, NTD, DN... Về phía Nhà nước, chủ trương quyết sách là tăng cường đấu tranh chống hàng giả hàng nhái, chống buôn lậu. Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, các lực lượng thực thi, tăng cường công tác thu giữ, tiêu hủy hàng gia, hàng nhái... đặc biệt là dịp cuối năm”, ông Thịnh cho biết.

 

Ông Phan Trí Dũng - Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết: “Hiện nay, quy mô sản xuất rượu ở Việt Nam khoảng 400 triệu lít, trong đó rượu dân tự nấu là 300 triệu lít. Tuy vậy, rượu công nghiệp đang dần thay thế rượu thủ công. Nhà nước khuyến khích người làm rượu thủ công bán lại cho các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn, có nhãn mác. Nhà nước đã ban hành Nghị định 94 để thúc đẩy sản phẩm rượu công nghiệp, thay thế dần rượu thủ công. Ngoài ra, cũng điều chỉnh chính sách về thuế như một biện pháp để làm giảm số người tiêu thụ rượu bia”.

 

Ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Halico chia sẻ: “Trong nỗ lực bảo vệ thương hiệu, NTD khỏi những nguồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến giúp sản phẩm đạt độ tinh khiết cao, hoàn toàn khác biệt với các sản phẩm kém chất lượng. Thêm vào đó, công ty cũng thay đổi mẫu mã và áp dụng công nghệ dập nổi vỏ chai, khó có thể bắt chước được bằng những dụng cụ thông thường. Trên mỗi chai rượu đều có mã vạch, logo và mã số seri dập nổi, các chi tiết trên bao bì in sắc nét, nắp chai thiết kế đặc trưng và tem chống hàng giả".

 

"Việc ra mắt sản phẩm 94 Lò Đúc và tái tung Vodka Hà Nội với bao bì mẫu mã mới của Halico là một trong những nỗ lực của Halico nhằm cam kết bảo vệ người tiêu dùng khỏi những nguồn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng", ông Lợi cho biết.

 

Rượu Việt đang bị oan?

 

Hiện nay, có 3 loại tem dán chống hàng giả nhưng cũng bị... làm giả nốt. Việt Nam đang liên hệ với Na Uy để tương lai ta có thể triển khai công nghệ dán chip điện tử cho tem, có thể kiểm tra bằng di động xem tem đã bóc chưa...

 

Về phía DN, DN phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm; thiết lập và kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; truyền thông để người dân biết cách phân biệt hàng thật hàng giả... Và, chính bản thân mỗi NTD cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm, cương quyết nói không với tất cả các sản phẩm làm lậu, làm giả làm nhái để bảo vệ cho túi tiền và sức khỏe của chính mình và người thân. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp và đòi hỏi cộng đồng từ chính phủ, các lực lượng thực thi, DN và NTD.

 

Theo báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng lượng bia rượu của Việt Nam chia trung bình cho đối tượng từ 15 tuổi trở lên là 4,2 lít/đầu người/năm. Con số này thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Lào, Belarus, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tiêu thụ tối thiểu 7 lít/người. Nói ra điều này, để phân tích nếu nói người Việt uống nhiều rượu bia thì không hẳn, cái chính là chúng ta ứng xử với việc đó như thế nào và đang tiêu thụ những sản phẩm có chất lượng hay không.

 

PGs.Ts. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết: “Trong vòng 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng rượu gần như không có, tỷ trọng rượu ở Việt Nam so với đồ uống có cồn khác chỉ chiếm 3 - 4%”. Ông Việt băn khoăn chúng ta tuy không ca ngợi chuyện uống rượu nhưng cũng không nên phóng đại, quan trọng là xây dựng văn hóa uống và xây dựng thương hiệu chính thống, có chất lượng để đảm bảo sức khỏe NTD.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã từng nhận định không thể đối xử với rượu theo kiểu hành chính mà cần tiếp cận dưới góc độ truyền thống, văn hóa. Hiện tại, Việt Nam chưa có những thương hiệu rượu uy tín, an toàn để có thể nâng lên thành “quốc tửu” trong khi Nhật Bản có rượu Sake, Trung Quốc có rượu Cao Đài...

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang