Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:05:53 GMT+7

Tin đăng lúc 29-06-2017

Lượt xem: 5799

Phú Lương – Vùng chè của những màu xanh bạt ngàn

Giữa cái nắng đầu hạ, nhóm phóng viên chúng tôi về với xứ sở của những đồi chè ngút ngàn xanh mướt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Dù đã nhiều lần đi công tác tại nơi này và được thỏa mắt ngắm nhìn những đồi chè xanh ngút ngàn đang đâm búp non tua tủa, song mỗi lần thấy cảnh tấp nập người mua, kẻ bán ở chợ chè, tôi lại tò mò muốn nghe chuyện về những đổi thay ở vùng quê có đặc sản chè nổi tiếng của cả nước.
 Phú Lương – Vùng chè của những màu xanh bạt ngàn
Người dân Phú Lương đang làm giàu từ những nương chè xanh mướt

Chúng tôi đến làng nghề trồng chè truyền thống của xã Tức Tranh (huyện Phú Lương) đúng vào dịp người dân đang nô nức thu hoạch, chế biến và đóng gói sản phẩm chè để chuẩn bị trưng bày trong “Lễ hội vinh danh các làng nghề chè” tại địa phương vào tháng 10 sắp tới. Nhiều người chở những bao tải chè chất phía sau xe máy cao quá đầu toả đi các ngả đường liên thôn, liên xã. Đi khắp xã Tức Tranh, nơi đâu người dân cũng truyền tai nhau, từ ngày được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tư vấn và hướng dẫn cho bà con trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap và đăng ký bảo hộ “Nhãn hiệu chè tập thể”, cuộc sống của người dân xã Tức Tranh mỗi ngày một khấm khá lên.

 

Dạo trên con đường trục chính của xã, chúng tôi gặp chị Cao Thị Ninh, một người trồng chè lâu năm tại đất Tức Tranh. Nhìn mồ hôi chảy dòng dòng trên gương mặt chị, chúng tôi mới cảm nhận được những nỗi nhọc nhằn của người trồng chè. Biết chúng tôi là nhà báo và muốn tìm hiểu về cây chè của vùng đất Phú Lương, chị vội lau mô hôi trên trán và chia sẻ: “Tôi gắn bó với cây chè đã được mấy chục năm. Theo nghiệp trồng chè tuy vất vả nhưng được cái thu nhập cũng ổn định. Hiện nay, gia đình chúng tôi có 3ha chè áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Mọi quy trình trồng chè đều được tuân thủ chặt chẽ từ khâu trồng (chọn đất, vùng thâm canh), khâu chăm sóc (bón phân hữu cơ khi trồng, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh khi chăm cây), đến khâu chế biến (thu hái, bảo quản búp tươi, sao chè). Quá trình sản xuất và chế biến chè đều được ghi chép nhật ký chi tiết, do vậy sản lượng và chất lượng của chè được nâng cao rõ rệt. Với lại, năm nay thời tiết thuận lợi nên bà con nông dân được mùa, được giá. Do chất lượng tốt, sức mua tăng nên giao dịch nhanh, sản phẩm ra đến đâu bán hết đến đó”.

 

Theo dân làng chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Chăn nuôi (xã Tức Tranh). Đưa chúng tôi đi thăm những nương chè xanh mướt đang trong kỳ thu hái, ông Hoàng Văn Thời – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tuy vất vả hơn nhưng lợi ích đem lại cho người trồng chè là rất lớn. Nếu như trước đây, sản phẩm chè của Hợp tác xã chúng tôi rất vất vả trong khâu tìm kiếm đầu ra của sản phẩm thì nay HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá bán cao hơn trước khoảng 20%. Hiện tại, mỗi năm HTX thu hoạch và chế biến khoảng 2,5 tấn chè khô thành phẩm các loại. Giá bán tùy thuộc vào từng loại chè nhưng loại thấp nhất mà HTX đang cung ứng ra thị trường có giá 300 nghìn đồng/kg (chè búp xanh bình thường), cao nhất là gần 1 triệu đồng/kg (chè hảo hạng). Trung bình mỗi năm HTX chúng tôi thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng”.

 

 

Chè Phú Lương có hương thơm tự nhiên, vị ngọt mát, màu vàng xanh, ánh mật ong

 

Hòa chung niềm vui từ những hiệu quả do chương trình khuyến công đem lại, bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh hồ hởi nói: Hiện, toàn xã có trên 1.000ha chè thì có gần 1.000ha chè kinh doanh, 50% diện tích là chè cành và khoảng trên dưới 70ha chè được công nhận sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGap. Việc chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” được xem là bước ngoặt lớn đối với người trồng chè trên địa bàn xã Tức Tranh. Bởi trước đây, nhiều thương lái đến mua chè Tức Tranh nhưng lại về đóng nhãn Tân Cương để đưa ra thị trường. Lý do đơn giản là chè Tức Tranh chưa xây dựng được thương hiệu nên không thể sánh kịp với thương hiệu chè Tân Cương vốn đã quá nổi tiếng. Mặc dù hương thơm, vị đượm không hề kém cạnh nhau nhưng cứ nhắc đến Tân Cương thì hàng bán rất chạy, còn hễ nói chè Tức Tranh thì khách hàng lại tỏ ra hoài nghi. Từ ngày được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các hộ SXKD ở Tức Tranh đã có thêm động lực để tiếp tục nâng cao chất lượng, giới thiệu sản phẩm chè Tức Tranh ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Phú Lương là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên, với kinh nghiệm sản xuất chè qua nhiều thập kỷ. Bởi vậy, người dân nơi đây đã biết phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để tạo dựng lên một vùng chè đặc sản rộng lớn, có sản lượng hàng đầu cả nước với trên 35.000 tấn chè búp tươi trên tổng diện tích 4.300ha chè kinh doanh. Trong công cuộc cải tạo diện tích chè già cỗi, năng suất thấp, nhiều hộ đã trồng thay thế vào đó các giống chè mới (Phúc Vân Tiên, TRI 777, Kim Tuyến, Thúy Ngọc,…) cho năng suất bình quân đạt trên 110 tạ/ha với chất lượng rất cao.

 

Rời Phú Lương miền quê thanh bình yên ả, bên tai chúng tôi vẫn vang mãi câu ca ngọt ngào đằm thắm của người dân nơi đây trên mỗi nương chè “Ai về thăm đất Phú Lương/Hương chè thơm ngát vấn vương lòng người”.

 

Lê Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang