Thứ Bẩy, 20/04/2024 20:02:08 GMT+7

Tin đăng lúc 23-11-2017

Lượt xem: 6597

Phú Thọ đẩy nhanh tốc độ phát triển chợ nông thôn

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã không ngừng đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống chợ, đặc biệt là chợ vùng nông thôn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phú Thọ đẩy nhanh tốc độ phát triển chợ nông thôn
Đẩy nhanh phát triển chợ đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, văn hóa của dân cư nông thôn

Ngày 6/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 23/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, nhấn mạnh việc hình thành mạng lưới chợ dân sinh là loại hình tổ chức thương mại chủ yếu ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao đến năm 2020.

 

Thực hiện mục tiêu đó, trong Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ nói chung và việc phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2011-2015 nói riêng, xác định chợ nông thôn sẽ là khâu đột phá, mang tính chất đòn bẩy trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Giải pháp được đặt ra là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chợ nông thôn trong việc xây dựng NTM; tăng cường cải cách hành chính, áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và tăng cường quản lý thương mại trên địa bàn tỉnh; tranh thủ các nguồn vốn, xã hội hóa xây dựng, cải tạo các chợ cấp xã, liên xã, bảo đảm số lượng chợ cần thiết với mục tiêu phục vụ đầy đủ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, văn hóa của dân cư nông thôn.

 

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 210 chợ tại 277 xã phường, thị trấn. Trong đó, có 2 chợ hạng I, 8 chợ hạng II và 200 chợ hạng III. Quá trình phát triển và quản lý chợ của tỉnh chủ yếu tận dụng nguồn lực hiện có, từng bước nâng cấp mạng lưới chợ theo quy hoạch chung của tỉnh nhằm phục vụ tốt việc lưu thông hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về địa điểm kinh doanh của các thành phần kinh tế và góp phần mở rộng thị trường nông thôn.

 

Xác định việc đầu tư hạ tầng chợ, nhất là chợ nông thôn để luân chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất trong tỉnh sẽ tạo bước phát triển bền vững cho kinh tế của các địa phương. Do đó, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, tỉnh tiếp tục vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ huyện, chợ xã theo quy hoạch trên địa bàn; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Từ đó, dần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo môi trường giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa lành mạnh, phát triển thương mại - dịch vụ, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020.

 

Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 268 chợ với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 3.750 tỷ đồng; phát triển các loại hình chợ đầu mối kinh doanh tổng hợp, chợ buôn bán chuyên... đảm bảo đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh NTM theo Chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ về phát triển thương mại nông thôn.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang