Thứ Ba, 19/03/2024 09:53:24 GMT+7

Tin đăng lúc 27-04-2019

Lượt xem: 1425

PVEP xứng danh doanh nghiệp đầu tàu

Giá dầu diễn biến phức tạp do tình trạng dư cung và nhu cầu dầu mỏ tăng chậm, đặc biệt do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Iran và Venezuela - hai nước xuất khẩu dầu là thành viên của Tổ chức Dầu mỏ thế giới (OPEC). Cùng với đó là một số vấn đề về thủ tục đầu tư và cơ chế tài chính chưa được tháo gỡ đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
PVEP xứng danh doanh nghiệp đầu tàu
Bình minh trên mỏ Rạng Đông

Với vai trò là Tổng công ty (TCT) chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), PVEP đã điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra ngay từ những tháng đầu năm.

 

Nhiều phát hiện mới cho hiệu quả kinh tế

 

Trong quý I/2019, PVEP đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu sản lượng khai thác và các chỉ tiêu kế hoạch tài chính quý I do PVN giao, tiếp tục là doanh nghiệp chủ lực đầu tàu đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

 

Cụ thể: Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu của PVEP quý I đạt 1,17/2,51 triệu tấn. Trong đó, khai thác dầu đạt 0,81 triệu tấn (đạt 103% kế hoạch quý) và sản lượng khí bán là 362 triệu m3 (đạt 105% kế hoạch quý). Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 1,21 triệu tấn quy dầu. PVEP đã đưa vào khai thác đúng tiến độ mỏ Cá Tầm (Lô 09-3/12) vào ngày 25/1/2019, hiện sản lượng trung bình tại mỏ này khoảng 9.000 thùng dầu/ngày. Các mỏ đang thực hiện công tác phát triển mỏ là Sư Tử Trắng giai đoạn 2 (Lô 15-1); mỏ khí Cá Voi Xanh (Lô 117- 119); mỏ KL-AQ-CV (Lô B&48/95 và 52/97); mỏ BRS (Lô 433a&416b)…

 

Với các dự án phát triển mới, trong quý I, PVEP tiếp tục theo đuổi để sớm ký mới hợp đồng dầu khí (HĐDK) lô 15-2/17. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chỉ định tổ hợp Nhà thầu Murphy- PVEP-SKI đàm phán hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) lô này, hiện các bên đã hoàn tất đàm phán và đang chờ Thủ tướng phê duyệt PSC lô 15-2/18.

 

Tính tới thời điểm hiện tại, PVEP đang triển khai 39 dự án dầu khí (trong đó 33 dự án trong nước, 6 dự án nước ngoài) và 2 dự án điều tra cơ bản; trong đó, các dự án dầu khí do PVEP điều hành là 13 dự án, tham gia điều hành chung 8 dự án, tham gia góp vốn 18 dự án; đang hoàn thành các thủ tục để kết thúc tại một số dự án như các lô 123, M2-Myanmar, XV-Campuchia, Lô Marine XI-Congo, Lô SK305- Malaysia…

 

Bên cạnh đó, TCT tổ chức đánh giá lại chất lượng tài sản/dự án, phân loại và thực hiện ưu tiên đầu tư/ hoặc chuyển nhượng quyền lợi tham gia. Đối với các mỏ khai thác không hiệu quả, có giá thành cao trong điều kiện giá dầu vẫn duy trì thấp, PVEP đề xuất các phương án đầu tư phù hợp, có thể phải bán tài sản hoặc chuyển đổi đối tác để tránh thua lỗ.

 

Kết thúc quý I/2019, các chỉ tiêu tài chính của PVEP đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu ước tính 9.037 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch quý I và 27% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước tính 2.739 tỷ đồng, bằng 141% kế hoạch quý I và 38% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước tính 1.130 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch quý I và 27% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 2.525 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch quý I và đạt 27% kế hoạch năm.

 

Tái cơ cấu toàn diện để tăng hiệu quả

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của PVEP thời gian tới là tiến hành tái cơ cấu toàn diện trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại PVEP giai đoạn 2017 - 2020 đang được PVN trình các bộ, ngành liên quan xem xét, phê duyệt. Bên cạnh đó, Đề án sắp xếp và cơ cấu lại tổ chức và công tác quản lý nhân sự bộ máy PVEP đã được xây dựng và được PVN phê duyệt. Trên cơ sở đó, PVEP đã triển khai thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành (gồm phê duyệt cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ chính và định biên số lượng lãnh đạo các ban/văn phòng, lãnh đạo phòng trong các ban; thực hiện các thủ tục bổ nhiệm, giao nhiệm vụ đối với vị trí người đứng đầu, cấp phó…

 

PVEP cũng đang tiến hành giải thể các công ty con nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động như Công ty PVEP Cuba, PVEP Algeria, PVEP Ba Tư và đề nghị PVN phê duyệt việc giải thể các đơn vị là PVEP Radugunting, PVEP Venezuela do hoạt động không hiệu quả.

 

Đồng thời, PVEP tiến hành xem xét lại mô hình hoạt động của các công ty con, từ đó định hướng xây dựng phương án cơ cấu lại phù hợp. Thực hiện tối ưu nhân sự các đơn vị PVEP POC, PVEP Overseas, PVEP Sông Hồng. Tiếp nhận lại các dự án từ các công ty con (PVEP OVS và PVEP POC) để thu gọn đầu mối. Tiến hành giải thể chi nhánh Thái Bình của PVEP Sông Hồng…

 

Bên cạnh việc sắp xếp lại tổ chức, PVEP cũng bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ chế độ chính sách, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Trên cơ sở nguyên tắc đã được các bộ ngành thông qua, PVN đã phê duyệt quỹ lương thực hiện năm 2017 của người quản lý và người lao động với mức tiền lương bình quân cao hơn so với năm 2016; hoàn thiện và trình PVN phê duyệt Quỹ lương năm 2018 và xây dựng Quỹ lương năm 2019 với mục tiêu ổn định tiền lương, thu nhập của người lao động và người quản lý.

 

PVEP cũng kiến nghị các bộ ngành phê duyệt cơ chế lương đặc thù cho TCT đặc thù như PVEP. Áp dụng phương án chi trả tiền lương cho CBNV phù hợp tình hình sản xuất kinh doanh và biến động của giá dầu. Tiếp tục xem xét điều chỉnh các chế độ chính sách cho người lao động theo hướng bảo đảm tối ưu hóa lợi ích cho CBNV và phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn theo quy định.

 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, PVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong điều hành, sản xuất nhằm tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, năm 2019, PVEP đã kịp thời triển khai với mục tiêu tối ưu hoạt động đầu tư và tiết giảm chi phí, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các dự án.

 

Cụ thể, PVEP đã yêu cầu tất cả các đơn vị, dự án rà soát, cắt giảm/giãn các hạng mục đầu tư chưa thực sự cần thiết; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí vận hành/giá thành khai thác dầu khí và các chi phí quản lý hành chính chung của bộ máy điều hành; đàm phán, giảm giá dịch vụ với các nhà thầu cung cấp trên tinh thần hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn để điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp với điều kiện thị trường và giá dầu; tổ chức đấu thầu cạnh tranh tất cả các dịch vụ dầu khí nhằm mục tiêu tiết giảm chi phí; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu cải tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần tiết kiệm/tối ưu chi phí trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất.

 

Tiết giảm chi phí quản lý hành chính, lồng ghép các nội dung để tiết kiệm chi phí hội họp, chi phí đi lại; rà soát, cơ cấu lại các vị trí nhân sự nhằm tối ưu bộ máy điều hành, tinh giản biên chế và giảm thiểu chi phí hành chính tại các đơn vị/dự án…

 

Theo thoibaokinhdoanh.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang