Thứ Sáu, 29/03/2024 03:52:05 GMT+7

Tin đăng lúc 01-03-2017

Lượt xem: 5862

QCVN 4:2009/BKHCN sửa đổi: Dây cáp điện phải công bố tiêu chuẩn khi lưu thông

Với những quy định mới, sản phẩm dây và cáp điện có điện áp từ 50V trở lên sẽ phải thực hiện môt số yêu cầu theo quy chuẩn sửa đổi. Việc thực hiện các quy định này sẽ được áp dụng từ 1/8/2018.
QCVN 4:2009/BKHCN sửa đổi: Dây cáp điện phải công bố tiêu chuẩn khi lưu thông
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn thiết bị điện và điện tử sửa đổi có nhiều điểm mới giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh sản phẩm

Ngày 15/12/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BKHCN Ban hành sửa đổi 1:2016 QCVN 4:2009/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn thiết bị điện và điện tử. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017 và kể từ ngày 01/08/2018, các sản phẩm dây và cáp điện sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của Sửa đổi 1:2016 QCVN 4:2009/BKHCN. 

 

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dây và cáp điện phải công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm dây và cáp điện. Tiêu chuẩn công bố phải là tiêu chuẩn quốc của Việt Nam (TCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

 

Về việc ghi nhãn trên dây và cáp điện phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: phải nêu xuất xứ và dấu hiệu nhận biết dây và cáp điện; nội dung ghi nhãn phải không tẩy xoá, rõ ràng và dễ phân biệt; khoảng cách giữa các điểm bắt đầu của lần ghi nhãn này đến điểm bắt đầu của lần ghi nhãn tiếp theo phải theo quy định của tiêu chuẩn công bố. 

 

Về việc lưu thông trên thị trường: Thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, nhập khẩu, không bao gồm dây và cáp điện có điện áp dưới 50V và trên 1000V, phải được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu về an toàn liên quan tại Mục 2 của Quy chuẩn này, gắn dấu hợp quy (CR) và thực hiện các biện pháp quản lý theo các quy định hiện hành trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

 

Việc thừa nhận kết quả đánh giá chứng nhận của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2007/BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các hiệp định và thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

 

Việc chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp đối với thiết bị điện và điện tử được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN ngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định yêu cầu, trình tự và thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

 

Doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện và điện tử sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012.

 

Doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị điện và điện tử phải thực hiện chứng nhận hợp quy theo quy định và thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012.

 

Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu dây và cáp điện phải lưu giữ bản tiêu chuẩn chất lượng của dây và cáp điện được sử dụng để công bố và phải cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Ngôn ngữ của Bản tiêu chuẩn là tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Nếu bằng tiếng Anh thì phải có bản dịch tiếng Việt chính thức kèm theo. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về bản dịch tiếng Việt này. 

 

Đề cập về vấn đề an toàn trong quy định mới của sản phẩm dây và cáp điện, đại diện Vụ Tiêu chuẩn ( Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dây và cáp điện phải công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm dây và cáp điện và tiêu chuẩn công bố tối thiểu phải có 5 chỉ tiêu cơ bản: Điện trở một chiều của ruột dân, chiều dày vỏ bọc và chiều dày cách điện, điện trở cách điện, độ bền điện áp, thử kéo trước và sau lão hóa của cách điện và vỏ bọc.

 

 

Năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 4:2009/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đối với các thiết bị điện và điện tử để quản lý khả năng gây mất an toàn của một số thiết bị điện gia dụng và sản phẩm dây điện bọc nhựa PVC có điện áp danh định đến và bằng 450/750V.

 

Ngày 22/9/2011, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 quy định về việc quản lý chất lượng đối với dây và cáp cách điện bằng polivynyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750V.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý dây và cáp điện theo QCVN 04: 2009/BKHCN và Thông tư 22/2011/TT-BKHCN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nhận được các phản ánh từ các doanh nghiệp và nhận thấy tồn tại một số vấn đề vướng mắc. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp cũng như để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý trong quá trình áp dụng QCVN 4:2009/BKHCN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức nghiên cứu Sửa đổi 1:2016 QCVN 4:2009/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn thiết bị điện và điện tử liên quan đến nội dung quản lý dây và cáp điện.

 

 

Nguồn Vietq.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang