Thứ Sáu, 29/03/2024 15:35:22 GMT+7

Tin đăng lúc 20-11-2018

Lượt xem: 10287

QR Code - công cụ lật tẩy chiêu trò gian lận thương mại trên thị trường gas

Vốn là lĩnh vực kinh doanh béo bở, tình hình gian lận thương mại trên thị trường gas và khí hóa lỏng ngày càng diễn biến phức tạp... Bởi vậy, việc truy xuất nguồn gốc gas trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.
QR Code - công cụ lật tẩy chiêu trò gian lận thương mại trên thị trường gas
Truy xuất nguồn gốc giúp đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại hội thảo “Thách thức và Triển vọng thị trường gas” vừa được tổ chức mới đây, ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc bảo vệ thị trường gas Việt Nam đã được thực hiện từ khoảng 10 năm nay nhưng thực tế vẫn chưa thể xử lý triệt để. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đặc biệt, có nhiều vấn đề như hệ thống văn bản pháp lý chưa chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng gian lận.

 

Ông Trần Trọng Hữu, Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam phân tích: Khi bước chân vào thị trường kinh doanh gas, thương nhân phải đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng vào bình gas. Thực tế họ là chủ sở hữu bình gas, đăng ký nhãn hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ theo quy định và phải chịu trách nhiệm về an toàn khi sử dụng bình gas. Tuy nhiên, với hàng trăm ngàn bình nên chủ sở hữu rất khó khăn trong công tác quản lý. 

 

Trong khi đó, các đối tượng kinh doanh trái phép lại không chịu sự quản lý này và thu lợi bất chính bằng cách giả các nhãn hiệu lớn, uy tín, hoán cải bình gas, chiếm giữ bình gas trái pháp luật. Dù công tác kiểm tra xử lý hành vi vi phạm ngày càng tăng nhưng không xuể vì đối tượng gian lận có rất nhiều mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng. Trên thực tế, việc xử lý vỏ bình gas bị tịch thu diễn ra khác nhau, tùy từng địa phương dù cùng một hành vi vi phạm. Ví như có nơi trả lại bình gas cho đối tượng vi phạm (sau khi phạt vi phạm hành chính), có nơi đem tiêu hủy, có địa phương trả lại chủ sở hữu, có địa phương lại mang bán đấu giá, điều này gây ra nhiều hạn chế về hiệu quả, hiệu lực về thực thi pháp luật kinh doanh gas. 

 

Do đó, theo đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam, để tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận thương mại trong kinh doanh gas, cần phải xây dựng và ban hành Thông tư về việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm kinh doanh gas. Đánh chú ý, việc thu gom vỏ bình gas, sang chiết, nạp trái phép… là hành vi vi phạm phổ biển nhất hiện nay, cần phải tịch thu bình gas vi phạm trả lại chủ sở hữu.

 

Ngoài ra, còn một cách có thể tiến hành quản lý thị trường gas để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Đó là truy xuất nguồn gốc. Ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Alttek Global JSC cho rằng, có thể áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, sử dụng QR Code để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. 

 

Ông Tuấn khẳng định, bằng một chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng xem bình gas sử dụng trong gia đình có phải hàng sở hữu chính hãng hay không, tương tự như truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản đang được áp dụng khá rộng rãi hiện nay. 

 

Nguồn VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang