Thứ Năm, 25/04/2024 21:21:46 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2020

Lượt xem: 1386

Quảng Ngãi: Khắc phục khó khăn về kinh phí, mở rộng hoạt động khuyến công

Những năm qua, công tác khuyến công đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, để hoạt động khuyến công tiếp tục phát huy tốt vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp, Quảng Ngãi cần khắc phục những hạn chế về nguồn kinh phí.
Quảng Ngãi: Khắc phục khó khăn về kinh phí, mở rộng hoạt động khuyến công
Kiểm tra nghiệm thu đề án khuyến công tại các cơ sở.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công của Quảng Ngãi là trên 243 tỷ đồng. Nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách chỉ đạt khoảng trên 20,74 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư từ các cơ sở thụ hưởng.

 

Dù nguồn kinh phí còn eo hẹp, Quảng Ngãi đã thực hiện được 6 nội dung khuyến công. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất được xác định là trọng tâm, được đầu tư kinh phí lớn hơn cả, với hơn 6,22 tỷ đồng và 32 đề án được thực hiện.

 

Thiếu vốn đang khiến công tác khuyến công của Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn. Đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, nguồn kinh phí thực hiện công tác khuyến công chủ yếu từ ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, việc bố trí ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công còn thấp so với kế hoạch đề ra, định mức hỗ trợ chưa đáp ứng để triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung hoạt động.

 

Điều đó dẫn đến một thực tế là nhiều doanh nghiệp có khả năng đầu tư công nghệ mới không mặn mà với chính sách khuyến công vì mức kinh phí hỗ trợ quá thấp. Trong khi đó, một bộ phận các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) hạn chế về tiềm lực tài chính thường ít có khả năng đầu tư, mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã…

 

 

Quảng Ngãi ưu tiên các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. 

 

Giải quyết được vấn đề khó khăn về nguồn kinh phí chính là điểm mấu chốt để hoạt động khuyến công Quảng Ngãi đáp ứng nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp CNNT phát triển. Nhìn rõ được thực tế đó, Sở Công Thương tỉnh đã xây dựng định hướng cho công tác khuyến công giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Theo đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển CNNT và dịch vụ khuyến công. Dự kiến nguồn ngân sách hỗ trợ cho triển khai các hoạt động là khoảng 67,28 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với giai đoạn trước.

 

Ngoài ra, Quảng Ngãi tiếp tục ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất CNNT thông qua các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.

 

Đây là nội dung được kỳ vọng sẽ thay đổi năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm CNNT trong tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng đầu ra cho các sản phẩm CNNT cũng sẽ được chú trọng hơn. Vấn đề đào tạo và nâng cao tay nghề, năng lực quản lý cho doanh nghiệp cũng đang được đặt ra ngày càng cấp thiết hơn.

 

Đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ thêm kinh phí khuyến công quốc gia cho tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Đây sẽ là nguồn kinh phí dùng để hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 của Quảng Ngãi là 225,9 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ 67,58 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của các đối tượng thụ hưởng là 188,62 tỷ đồng. 

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang