Thứ Sáu, 19/04/2024 11:31:33 GMT+7

Tin đăng lúc 27-02-2020

Lượt xem: 31020

Quảng Ninh: Quyết định đưa 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP

UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của 10 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Ban Xây dựng NTM tỉnh cũng vừa ban hành quyết định đưa 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP.
Quảng Ninh: Quyết định đưa 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP
Trà hoa vàng Ba Chẽ, sản phẩm OCOP vượt trội của Quảng Ninh thời gian qua

Đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành động quyết liệt này? Cùng Diễn đàn Doanh nghiệp trò chuyện với ông Vũ Thành Long, Trưởng ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh để hiểu rõ hơn về câu chuyện OCOP của tỉnh này.

 

- Chào ông Vũ Thành Long! Theo ông, thành tựu lớn nhất mà OCOP Quảng Ninh đạt được cho đến thời điểm này là gì ?

 

Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra  hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn. OCOP góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn Quảng Ninh, giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hình thành các tổ chức doanh nghiệp trong nông nghiệp.

 

- Nhắc đến OCOP Quảng Ninh, người tiêu dùng cả nước sẽ nhớ ngay đến những sản phẩm gì, thưa ông?

 

Người tiêu dùng cả nước sẽ nhớ ngay đến sản phẩm Hội chợ OCOP Quảng Ninh. Hội chợ OCOP này đã được triển khai thường niên, trở thành điểm đến của khách hàng trên toàn quốc, là nơi giao lưu - trao đổi hợp tác giữa đơn vị làm OCOP Quảng Ninh cũng như các tỉnh với thị trường toàn quốc và quốc tế. Ngoài ra người tiêu dùng còn nhắc tới những sản phẩm nổi tiếng như: Lợn Móng Cái, Gà Tiên Yên, Chả mực Hạ Long, Hoa trà hoa vàng Ba Chẽ, rượu Ba kích, miến dong Bình Liêu và các loại hải sản của Quảng Ninh.

 

- Tuy vậy, có một thực tế là OCOP Quảng Ninh cũng phát triển khá “nóng” thời gian qua, dẫn đến khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Bằng chứng là UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của 10 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Ban Xây dựng NTM tỉnh cũng vừa ban hành quyết định đưa 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

 

Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh chính thức triển khai việc chấm điểm và gắn sao cho sản phẩm OCOP. Những sản phẩm đạt 3-5 sao đều phải đạt tiêu chuẩn nhà nước về VSATTP, kiểu dáng công nghiệp, nhà xưởng đảm bảo vệ sinh môi trường, có hệ thống quản trị, bao bì, nhãn mác... Qua việc chấm điểm, các đơn vị sản xuất đã từng bước nâng cao ý thức, thay đổi tư duy sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm đầu triển khai gắn sao, việc chấm điểm sản phẩm chỉ thực hiện tại tỉnh mà không có sự kiểm tra, đánh giá trực tiếp ở đơn vị sản xuất, các địa phương sau đó cũng buông lỏng sự quản lý... dẫn đến phát sinh và tồn tại khá nhiều bất cập, hạn chế ngay trong chính những sản phẩm đạt sao này. Trong đó, chủ yếu liên quan đến nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bao bì, tem nhãn, chất lượng sản phẩm.

 

Vì vậy, ngay đầu năm 2020 Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-BCĐ ngày 08/01/2020 về triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm năm 2020 với chủ đề “Sản phẩm chuyên nghiệp”, theo đó chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ, tiến hành rà soát lại mẫu mã bao bì tất cả các sản phẩm, yêu cầu 100% sản phẩm thuộc chương trình OCOP phải dán tem truy xuất nguồn gốc và dán nhãn đúng quy định. Trường hợp nào không đủ điều kiện VSATTP cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận. Mặt khác, đối với những sản phẩm đã đạt sao, sau 1 hoặc 2 năm, tỉnh cần có sự đánh giá, chấm điểm lại toàn bộ các quy trình từ sản xuất cho đến tiêu thụ, đơn vị nào không đảm bảo đạt tiêu chuẩn có thể thu hồi hoặc cho xuống hạng sao.

 

- Ông kỳ vọng gì về sự phát triển của OCOP Quảng Ninh trong 5 năm tới?

 

Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh. Chúng tôi luôn củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã có, phát triển các sản phẩm mới theo chuỗi từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ; chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, định hướng đạt thương hiệu sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Củng cố các tổ chức kinh tế, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng, thúc đẩy sản xuất phát triển góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của Tỉnh trong năm 2020.

 

Trong 5 năm tới của OCOP Quảng Ninh hướng tới chuyên nghiệp hóa, thể chế hóa. Ở đó, chu trình OCOP đưa vào thực hiện sẽ rõ ràng từng tiêu chí lựa chọn sản phẩm, đơn vị tham gia cùng các thể chế hỗ trợ cụ thể, chi tiết. Đây là bước tiến mới và nâng tầm cho OCOP Quảng Ninh, kỳ vọng tạo niềm tin lớn cho người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, định hướng hòa nhập thị trường quốc tế. Tôi kỳ vọng Chương trình OCOP Quảng Ninh sẽ tiếp tục góp phần giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Nhất là khi Quảng Ninh đang quyết tâm trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Trong số các sản phẩm bị loại khỏi chương trình OCOP Quảng Ninh, thành phố Uông Bí có 16 sản phẩm nông nghiệp của 4 hợp tác xã, tổ chức nông nghiệp gồm: thanh long, vải Phương Nam, rượu Linh Chi Yên Tử, su hào, khoai tây, bí xanh, cà chua, dưa chuột… 

 

Thành phố Hạ Long bị loại 21 sản phẩm (chủ yếu ở khu vực Hoành Bồ) gồm: lá tắm, lá ngâm chân, tai chua sấy khô, bún tỏi đen, mật ong kiều mạch, nước mắm cao đạm Đại Yên…

 

Các địa phương như Hải Hà, Ba Chẽ, Móng Cái, Bình Liêu, Cô Tô, Đông Triều, mỗi địa phương có từ 1 đến 10 sản phẩm nông nghiệp bị loại ra khỏi danh sách chương trình OCOP Quảng Ninh.

 

Theo Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang