Thứ Năm, 28/03/2024 22:41:20 GMT+7

Tin đăng lúc 02-11-2015

Lượt xem: 3435

Quốc hội thảo luận tình hình KT-XH

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ dành 2 ngày (ngày 2 và 3/11) để thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016.
Quốc hội thảo luận tình hình KT-XH

Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

 

Cùng với những vấn đề trên, phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cũng được thảo luận.

 

Trước đó tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016.
 

Báo cáo khẳng định những kết quả đã đạt được về KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015.

 

Cụ thể: Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực, chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

 

Văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ KT-XH vẫn còn các hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao; tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm….

 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các vấn đề KT-XH. Đa số các ý kiến phát biểu đánh giá nền kinh tế trong nước có nhiều điểm tiến bộ, đáng ghi nhận. Các biện pháp mà Chính phủ, Quốc hội đưa ra đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế từ những năm đầu nhiệm kỳ trước ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

 

Những thành quả rõ ràng được các đại biểu đồng thuận cao là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, ổn định kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng biểu hiện ở kiểm soát được lạm phát, chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI luôn ở mức thấp.

 

Bên cạnh đó, cải cách và điều hành chính sách tiền tệ cũng đạt được thành quả quan trọng, kiểm soát được nguy cơ bất ổn định hệ thống tài chính, góp phần ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, đầu tư ở trong nước và kéo giảm nợ xấu.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá trong năm 2015 và rõ hơn là trong cả nhiệm kỳ qua, chính sách an sinh xã hội đã được Chính phủ thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đi sâu vào trong ý thức và việc làm của mỗi người dân, các cấp chính quyền, dần thay đổi cuộc sống người dân nông thôn và diện mạo của khu vực nông thôn.

 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.

 

Để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2016 và các năm tiếp theo, các đại biểu Quốc hội đồng tình với các kế hoạch và giải pháp mà Chính phủ đặt ra trong Báo cáo trước Quốc hội.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang