Thứ Bẩy, 20/04/2024 16:00:52 GMT+7

Tin đăng lúc 23-12-2021

Lượt xem: 1203

Quy hoạch điện VIII: Đảm bảo cân đối nguồn giữa các vùng miền

Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và từ hội nghị COP26 vừa qua, Quy hoạch điện VIII đã có những điều chỉnh kịp thời, song với nhiều điều kiện ràng buộc, "bài toán" xây dựng quy hoạch nguồn điện hiện nay vẫn còn đặt ra rất nhiều thách thức.
Quy hoạch điện VIII: Đảm bảo cân đối nguồn giữa các vùng miền
Với mục tiêu phát triển, tăng mạnh mẽ NLTT cần tính toán phải đưa các ràng buộc vào trong mô hình tính toán quy hoạch nguồn

Khắc phục các "điểm nghẽn"

 

Cập nhật tình hình xây dựng Quy hoạch điên VIII tại toạ đàm Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo ngày 22/12, ông Nguyễn Tuấn Anh - Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Quy hoạch điện VIII, đến thời điểm hiện nay đang được Bộ Công Thương tiến hành cập nhật, hiệu chỉnh lại trên cơ sở đánh giá lại tình hình tăng trưởng phụ tải. Đồng thời, nhận xét, đánh giá lại phát triển nguồn điện, những tồn tại, bất cập để có những giải pháp đưa vào quy hoạch nhằm khắc phục điểm nghẽn về nguồn điện, trong đó có năng lượng tái tạo.

 

Đánh giá về việc phát triển nguồn điện thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bố, phát triển của phụ tải, đặc biệt theo vùng miền. Ví dụ, trong giai đoạn 2016-2020, phụ tải miền Bắc tăng 9% nhưng nguồn điện lại chỉ tăng 4%. Miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện từ 16-21%, trong khi tăng trưởng phụ tải chỉ 5-7%.

 

Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời dẫn tới khu vực miền Bắc thiếu nguồn phải truyền tải công suất nguồn năng lượng tái tạo chuyển từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc gây nghẽn mạch đường dây 500kV Bắc - Nam.

 

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngoài việc đánh giá lại nguồn tải khu vực vùng miền, sau hội nghị COP26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh lại chương trình phát triển nguồn điện theo một số hướng chính. Trong đó, tính lại phương án khả thi giảm nhiệt điện than, phát triển mạnh điện khí để đảm bảo an ninh năng lượng, và quan trọng là tăng cường khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo nếu muốn phát triển trong giai đoạn sau. Đặc biệt, tiếp tục phát triển mạnh mẽ nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, quan điểm trong Quy hoạch điện VIII là cần bố trí để tránh truyền tải điện qua các vùng miền. Năm 2030, không xây dựng đường dây truyền tải mới 500Kv để truyền tải liên miền. Và giai đoạn 2031-2045 hạn chế truyền tải liên miền. Cuối cùng là đảm bảo dự phòng hợp lý, đặc biệt ở miền Bắc. Theo đó, bài toán quy hoạch nguồn điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn hiện nay vẫn còn đặt ra rất nhiều thách thức.

 

Thứ nhất, do nhu cầu phụ tải đã thay đổi. Theo tính toán dự báo nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã giảm hơn 11 tỷ KWh. Thứ hai, việc xây dựng Quy hoạch nguồn điện xoay quanh 3 vấn đề chính là làm sao để chi phí cho hệ thống đạt cực tiểu, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, xác định số giờ xác suất mất điện là bao nhiêu giờ. Thứ ba là về đảm bảo môi trường, đặt mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 năm 2050. Theo đó, phải cân bằng 3 lĩnh vực đó để xây dựng Quy hoạch điện VIII phù hợp.

 

"Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, và từ hội nghị COP26, Quy hoạch điện VIII đã đề ra cơ cấu nguồn, độ dự phòng trong dự thảo đã tăng lên, đảm bảo an ninh cung cấp điện. Trong dự thảo cơ cấu nguồn này, độ dự phòng công suất đã tăng lên cả quốc gia cũng như các vùng miền" - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Mục tiêu là đảm bảo an ninh cung cấp điện

 

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, trong Quy hoạch điện VIII đã xác định độ dự phòng công suất không tính điện mặt trời, nhưng vẫn tính điện gió. Kết quả đến năm 2030 độ dự phòng công suất của toàn hệ thống toàn quốc đã tăng 46,5% và đến 2045 giữ ở mức 45,1%.

 

Riêng ở miền Bắc, hiện độ dự phòng công suất rất thấp, đến năm 2030 tăng lên gần 18%, 2045 tăng trên 25%. Qua đó cho thấy, việc cân đối vùng miền cũng đã được đảm bảo để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

 

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương)

 

Ngoài ra, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 đã có những thay đổi như: Thuỷ điện chiếm tỉ lệ 19%, nhiệt điện than 25%, nhiệt điện khí (cả khí LNG) 25%; năng lượng tái tạo (không tính thuỷ điện) gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối 24%.

 

Như vậy, nhìn vào cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, cơ cấu nguồn điện than đã giảm ở mức 31% hiện nay, xuống còn 25% vào 2030. Tương ứng với giảm 16GW nhiệt điện than so với mức phát triển đã được đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (đề ra đến năm 2030 điện than tăng lên mức 55,3GW).

 

Đồng thời, phát triển mạnh mẽ điện khí. Điện khí hiện chiếm 11%, đến năm 2030 lên mức 25%.Tương ứng với tổng quy mô công suất điện khí 40GW vào năm 2030. Đặc biệt, khu vực miền Bắc hiện nay đang thiếu nguồn, trong thời gian tới năm 2030 sẽ bổ sung khoảng trên 8GW điện khí LNG đảm bảo đủ cung cấp điện.

 

"Trong bối cảnh chúng ta chưa xây dựng được hệ thống tích trữ, hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhất là hệ thống truyền tải của chúng ta chưa thực sự linh hoạt thì với quy mô công suất nguồn năng lượng tái tạo phát triển như trên nhằm đảm bảo vừa phải để đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện" - ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay,

 

Ngoài ra, đến năm 2045 cơ cấu nguồn điện sẽ là thủy điện chiếm 14% (tiềm năng thuỷ điện có giới hạn, đã khai thác hết các nguồn thuỷ điện lớn); nhiệt điện than tiếp tục giảm, chỉ chiếm 11%; nhiệt điện khí 25%; nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45%; nhập khẩu điện 3,3% tổng quy mô công suất của hệ thống.

 

Riêng về năng lượng tái tạo, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã phát triển mạnh, đặc biệt đối với công suất điện gió, đến năm 2030 đạt 21GW (có xét đến 5GW điện gió ngoài khơi), và điện mặt trời đạt 16,5GW. Sở dĩ điện mặt trời giữ nguyên quy mô hiện nay đến 2030, vì điện mặt trời số giờ vận hành trong ngày tương đối thấp (4h/ngày), trong khi điều kiện lưới điện truyền tải chưa phát triển kịp để đảm bảo độ linh hoạt, cũng như chưa có hệ thống tích trữ năng lượng.

 

Đến năm 2045 sẽ phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời trong đó điện mặt trời tăng đáng kể, về quy mô đạt 70GW vào năm 2045, chiếm tỉ lệ 20% cơ cấu nguồn điện. Còn điện gió đạt quy mô công suất là 82GW, chiếm tỉ lệ 23%.

 

Từ thực tế trên cho thấy, trong giai đoạn 2031-2045 tỷ trọng điện than đã giảm mạnh và tổng công suất nhiệt điện than vẫn duy trì ở mức 39% để đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện.

 

Các chuyên gia kỳ vọng hơn nữa vào việc tăng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió với nhiều tiềm năng sẵn có, song đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, mục tiêu phát triển, tăng mạnh năng lượng tái tạo là đúng đắn nhưng cần tính toán phải đưa các ràng buộc vào trong mô hình tính toán quy hoạch nguồn, đưa ràng buộc an ninh, an toàn hệ thống, giá nhiên liệu hay ràng buộc về mức đầu tư, chi phí đầu tư cho các nguồn điện, ràng buộc về khả năng truyền tải liên miền, và các ràng buộc về phát thải.

 

Và trên cơ sở đó thì mô hình tính toán sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện mới phù hợp theo các giai đoạn. Ngoài ra còn phải đưa ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050.

 

Với tính toán cơ cấu nguồn điện theo hướng đẩy mạnh, phát triển điện gió, điện mặt trời cũng như tăng cường phát triển điện khí, Quy hoạch điện VIII sẽ góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước.

 

Theo phương án đến nay cập nhật, đến 2030, tổng vốn đầu tư đã giảm khoảng 30 tỷ đôla so với phương án Bộ Công Thương đã trình tháng 3/2021. Đến 2045, tổng vốn đầu tư, giảm khoảng 4,2 tỷ đôla. Về độ cung cấp điện đảm bảo LOLE thấp hơn 24h, về phát thải đảm bảo đúng mục tiêu theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. 

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang