Thứ Sáu, 19/04/2024 13:37:35 GMT+7

Tin đăng lúc 02-01-2022

Lượt xem: 1221

RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực

Có hiệu lực từ 1/1/2022, RCEP được kỳ vọng sẽ mở ra cho doanh nghiệp những cơ hội xuất khẩu mới, đón đà phục hồi kinh tế.
RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực
RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022 sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2022 được hy vọng sẽ là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác ngoài ASEAN là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới

 

Theo Bộ Công Thương, RCEP có hiệu lực sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

 

Sau khi có hiệu lực RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới, gây ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế cùng xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

 

Các nước đối tác RCEP cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ 30-100% số dòng thuế. 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: "RCEP trong ngắn hạn sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nhưng về trung hạn và dài hạn sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, về lâu dài lợi ích của chúng ta sẽ thấy rõ, khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này và Việt Nam trở thành một thành phần của chuỗi cung ứng đó sẽ tạo động lực để xuất khẩu gia tăng".

 

Không gian lớn cho xuất khẩu

 

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại rằng, trong khi đã có hiệp định thương mại với khối ASEAN (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc) và FTA song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản... thì RCEP sẽ không mang lại cho Việt Nam quá nhiều lợi ích.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhắc đi nhắc lại rằng, việc tham gia RCEP có tác động rất tích cực đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực.

 

"Kể cả trong điều kiện Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định thì khu vực thị trường rộng lớn của RCEP rất có lợi cho Việt Nam, giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng tận dụng được không gian tăng trưởng xuất khẩu để có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Lợi ích từ RCEP không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế, mà còn giúp phát huy vai trò trọng tâm của ASEAN trong các sáng kiến của khu vực. RCEP là minh chứng rõ nhất cho việc duy trì, thúc đẩy, định hướng cùng các đối tác xây dựng sân chơi chung, gắn với việc hài hòa quy tắc xuất xứ, hài hòa từng FTA hiện có của ASEAN với từng đối tác trong hiệp định", ông Dương nhấn mạnh.

 

Do đó, RCEP thực thi mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) lý giải, những cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ tại RCEP cũng tương đương như cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong khuôn khổ ASEAN, nên cơ bản sẽ không có bước đột phá về mở cửa thị trường dịch vụ, nhưng RCEP lại mở ra cơ hội lớn về xuất nhập khẩu, về phát triển các chuỗi cung ứng mới, đa dạng hóa nguồn cung. 

 

“RCEP đi vào thực thi sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu của ASEAN ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới như RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của đất nước”, bà Nga chia sẻ.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang