Thứ Sáu, 19/04/2024 05:20:58 GMT+7

Tin đăng lúc 03-02-2019

Lượt xem: 10134

Rộng cửa xuất khẩu, ngành gỗ lo nguyên liệu

Thông tin dự báo thị trường cho thấy cánh cửa xuất khẩu của ngành gỗ năm 2019 rất rộng mở. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần hướng đến việc quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp, quản lý chặt từ đầu vào đến đầu ra, từ khâu khai thác cho đến vận chuyển và tiêu thụ.
Rộng cửa xuất khẩu, ngành gỗ lo nguyên liệu

Trên thị trường thế giới, thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), nhập khẩu gỗ tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận sự phục hồi đáng kể.

 

Cơ hội lớn từ các FTA

 

Theo ITTO, Việt Nam chỉ chiếm thị phần nhỏ trong nhập khẩu gỗ dán nhiệt đới của EU; tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam tính đến hết quý III/2018 tăng mạnh với mức tăng lên tới 140% so với cùng kỳ năm 2017, đưa kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam lên mức 9,5 nghìn tấn.

 

Bộ NN&PTNT đánh giá, với những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, EU sẽ là thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.

 

Đặc biệt, việc chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU sẽ mở ra nhiều cơ hội cho XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, hai hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2019 tạo ra sự cộng hưởng lớn với ngành gỗ.

 

Hầu hết các quốc gia tham gia CPTPP đều có cam kết sẽ loại bỏ thuế và thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài Nhật Bản, XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khác cũng được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.

 

Tuy vậy, nguyên liệu vẫn là bài toán "đau đầu" với ngành gỗ. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết CPTPP đem đến cho ngành gỗ cơ hội mở rộng thị trường và thị phần, trong đó thuế suất XK vào thị trường 11 nước về 0%. Cơ hội về thị trường không thiếu nhưng đây lại chính là áp lực lớn vì ngành gỗ không có đủ nguyên liệu.

 

Trước đây, ngành gỗ Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều quốc gia nhưng khi tham gia CPTPP, muốn tận dụng lợi thế thuế 0% phải nhập nguyên liệu từ các nước trong khối CPTPP. Tuy nhiên, 11 quốc gia này không phải nước nào cũng có gỗ để bán, nhất là Nhật Bản; New Zealand, Canada và Chile chủ yếu là gỗ pha chỉ có thể cho sản xuất nội thất.


Nan giải nguyên liệu

 

Với thị trường EU, bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, cho biết với Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam và EU kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp XK từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.

 

Hiện nay, Nghị viện châu Âu đang trong quá trình chuẩn bị các báo cáo liên quan đến thực thi VPA/FLEGT giữa hai bên để đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp mới vào được thị trường EU.

 

Trước thực trạng trên, ông Quyền cho hay thời gian tới, ngành gỗ Việt Nam chỉ trông chờ vào nguồn gỗ cao su, gỗ vườn nhà như cây nhãn, cây mít, cây điều… cung cấp khoảng 6 triệu m3/ năm. Đó chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, rừng trồng trong nước phải tạo ra cây gỗ chất lượng. "Chúng ta chỉ có khoảng 5-7 năm nữa để làm việc này", ông Quyền nói.

 

Đồng thời, Nhà nước cần phải có các quy định cụ thể để giúp doanh nghiệp (DN) biết gỗ nào là gỗ hợp pháp, tránh tình trạng bị nước sở tại "tuýt còi" vì mua phải gỗ nguyên liệu bất hợp pháp.

 

Theo Bộ NN&PTNT, các DN cần hướng đến việc quản lý nguồn gốc gỗ theo phương pháp của VPA/FLEGT, quản lý chặt từ đầu vào và đầu ra, từ khâu khai thác cho đến vận chuyển và tiêu thụ. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát thật chặt chẽ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng.

 

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần hỗ trợ các DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hiểu biết của DN để đáp ứng các yêu cầu về quy định, thủ tục của Hiệp định VPA/FLEGT.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá dư địa và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang thị trường EU là rất lớn. Tuy nhiên để mở rộng thị phần và nâng cao trị giá XK, các DN sản xuất đồ nội thất bằng gỗ cần kịp thời nắm bắt xu hướng và tận dụng tốt các cơ hội thị trường và từ các hiệp định giữa EU và Việt Nam mang lại. Đẩy mạnh sản xuất và chế biến gỗ công nghiệp, gỗ kỹ thuật để đáp ứng xu hướng chung tại thị trường EU nói riêng và các thị trường khác nói chung.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang