Thứ Bẩy, 20/04/2024 22:41:28 GMT+7

Tin đăng lúc 05-05-2022

Lượt xem: 1200

Sản xuất công nghiệp, thương mại 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi

Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta vẫn tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2022.
Sản xuất công nghiệp, thương mại 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi
Ảnh minh họa

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt, lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.

 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng khiến sức ép lạm phát thêm tăng bởi nỗi lo thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga và hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn trong lúc chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt các thách thức liên quan đến dịch bệnh... Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên trên 7%; khoảng 60% nền kinh tế phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên cao hơn 5% (là tỉ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980). Tại châu Á, lạm phát ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc... gần đây tăng mạnh hơn dự báo.

 

Ở trong nước, nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp; giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đã có những tác động làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế; việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc…

 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả; linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. 

 

Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc

 

Trong tháng 4/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước tiếp tục đà hồi phục do người lao động trong các doanh nghiệp đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp tự tin khôi phục toàn bộ hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tiếp tục được khởi sắc.

 

Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP), do hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có sự tăng trưởng mạnh (IIP tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ) nên trong tháng 4, chỉ số IIP mặc dù tiếp tục duy trì xu hướng tăng nhưng chỉ tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%; ngành khai khoáng tăng 2,6%.

 

Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép thanh, thép góc tăng 15,2%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; Quần áo mặc thường tăng 12,3%; ô tô tăng 12%; phân đạm ure tăng 11,1%; phân lân tăng 16,9%; Quần áo mặc thường tăng 12,3%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; Alumin tăng 12,4%; than sạch tăng 9,3%.

 

Ở chiều ngược lại, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm như: phân DAP giảm 35,3%; quặng apatit giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước; ti vi giảm 18,9%; điện thoại di động giảm 9,9%; Xăng dầu các loại giảm 9,7%; Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo giảm 9,1%; sắt thép thô giảm 5,8%...

 

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

 

Cán cân thương mại đạt kết quả tích cực

 

Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,6%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,7%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

 

Ngược lại, về nhập khẩu, trong tháng 4/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.

 

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 40,9 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,8 tỷ USD, tăng 16,7%.

 

Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 và cả trong 4 tháng đầu năm 2022 của nước ta đạt kết quả tích cực khi đều đạt trạng thái xuất siêu, Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 4 ước tính xuất siêu 1,089 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại ước xuất siêu 2,53 tỷ USD.

 

Nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới

 

Dự kiến, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

 

Chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.

 

Chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành năng lượng theo dõi sát nguồn cung - cầu dầu thô, than nhập khẩu; đánh giá để có các phương án vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy; đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường, sử dụng tối đa nguồn lực của từng đơn vị dịch vụ; phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng nội địa.

 

Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.

 

Rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.

 

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.

 

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá

 

Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

 

Theo Moit.gov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang