Thứ Bẩy, 20/04/2024 03:01:41 GMT+7

Tin đăng lúc 29-08-2015

Lượt xem: 5322

Sàng lọc doanh nghiệp yếu kém để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - EU

Muốn tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, Việt Nam phải sàng lọc và loại bỏ những doanh nghiệp (DN) quá yếu, tạo ra nền sản xuất vững vàng. Thông tin trên được các chuyên gia nước ngoài chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề “Hiệp định tự do thương mại (FTA) đối với các DN, phân tích từ góc độ pháp lý” vừa tổ chức tại TP.HCM.
Sàng lọc doanh nghiệp yếu kém để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - EU
Muốn có nền sản xuất vững vàng cho hội nhập phải có những DN đủ mạnh

Theo ông Erwin Schweisshelm - Trưởng đại diện Viện Friedrich Ebert (FES) tại Việt Nam, việc FTA Việt Nam - EU mới được hai bên thống nhất với nhau về nội dung cơ bản là kết quả vượt ngoài mong đợi. Giờ các bên chỉ cần hoàn thiện về lời văn là có thể ký kết chính thức. Có thể vào cuối năm 2016 hoặc sang đầu năm 2017 FTA Việt Nam - EU sẽ có hiệu lực.

 

Khi đó, 99% dòng thuế xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào EU về 0%, chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này và việc giảm thuế sẽ diễn ra theo lộ trình. Khi bắt đầu có hiệu lực, Việt Nam thực hiện ngay bỏ 65% thuế nhập khẩu nhập các mặt hàng nhập từ EU. Song song đó, EU cũng tiến hành bỏ 85% dòng thuế, phần còn lại sẽ theo lộ trình như đã cam kết.

 

Tuy nhiên, cánh cửa không mở rộng hoàn toàn mà luôn có điều kiện đi kèm bằng các nguyên tắc xuất xứ. Chẳng hạn với mặt hàng dệt may, EU đòi hỏi khâu dệt vải và may phải được thực hiện ở Việt Nam hoặc ở 1 nước đã ký FTA với EU. Hiện, Việt Nam có thể tận dụng là Hàn Quốc, nước này đã ký FTA với EU. Dù Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều từ Hàn Quốc nhưng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế hơn trong nguồn cung ứng. Đây sẽ là thách thức với DN ngành dệt may. Ngoài các quy định về kỹ thuật, DN sản xuất của Việt Nam, phải chú ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ, vệ sinh môi trường, chuẩn mực trong lao động… đối với sản phẩm.

 

Ông Erwin Schweisshelm cho rằng, tới đây Việt Nam sẽ phải nghĩ tới việc điều chỉnh 1 loạt các luật trong nước để phù hợp với chuẩn mực đề ra trong FTA Việt Nam - EU, như: Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, Luật đầu tư, Luật Lao động…. Tiếp đó, không thể tránh được việc sẽ có nhiều thay đổi trong cơ cấu ngành nghề tại Việt Nam để phù hợp với xu hướng thị trường.

 

Ông Franz Jessen - nguyên Đại sứ EU, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng - khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, Chính phủ Việt Nam cần dịch chuyển hướng xuất khẩu sang việc tăng giá trị gia tăng dòng sản phẩm xuất khẩu để tận dụng tối đa lợi thế ưu đãi về thuế. Trong hoạt động đầu tư, thời gian tới, các DN Châu Âu sẽ tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm xa xỉ phẩm, thực phẩm, đồ uống và công nghệ cao tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam nói chung nhưng cũng là thách thức đối với các DN đang hoạt động trong các ngành này.   

 

Song hành cùng các thuận lợi sẽ không ít thách thức cho DN Việt Nam khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực. Điều này đặt ra bài toán cho Việt Nam phải biết chấp nhận hy sinh bớt những DN quá yếu để có được đội ngũ sản xuất năng lực vững vàng. Có như vậy, mới tận dụng được các ưu đãi mà FTA mang lại. 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang