Thứ Năm, 25/04/2024 08:33:21 GMT+7

Tin đăng lúc 27-11-2014

Lượt xem: 4347

Sáng tạo kỹ thuật: Điểm sáng ngành Than

Những năm qua, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh đã trở thành sân chơi bổ ích, nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo và thúc đẩy phong trào thi đua lao động của quần chúng nhân dân ngày một phát triển mạnh hơn.
Sáng tạo kỹ thuật: Điểm sáng ngành Than

Nhóm tác giả của Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin được trao giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh

lần thứ IV (2012-2013)

 

Được tổ chức 2 năm/lần, hội thi đã thu hút được nhiều tập thể, cá nhân tham gia dự thi với nhiều giải pháp có tính sáng tạo cao. Những giải pháp này không chỉ mang lại hiệu quả rõ nét, thiết thực đối với lao động sản xuất nói riêng, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

 

Sau 20 năm thành lập, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như tạo việc làm ổn định cho gần 13 vạn cán bộ, công nhân viên chức và người lao động toàn đơn vị. Làm nên kết quả này có sự quan tâm tập trung chỉ đạo và đầu tư kinh phí của lãnh đạo Tập đoàn trong việc phát huy tinh thần, nêu cao tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị phục vụ cho sản xuất cũng như tham gia tích cực vào các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh Quảng Ninh và Trung ương tổ chức. Theo đó, các đơn vị thành viên của TKV đã có hàng chục sáng kiến, đề tài tham gia hội thi và đoạt giải, được áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng chục tỷ đồng.

Nền tảng từ áp dụng KHCN

 

Trong những năm qua, Tập đoàn đã không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong sản xuất. Đây là nền tảng và động lực quan trọng để nâng cao sản lượng, năng suất lao động, đảm bảo an toàn và hiệu quả SXKD, nhất là trong khai thác than. Trong các mỏ than hầm lò, các đơn vị của Tập đoàn đã nghiên cứu, áp dụng nhiều hệ thống khai thác mới thích hợp, nâng cao trình độ cơ giới hoá khai thác, công nghệ chống giữ lò và từng bước áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong khai thác và đào lò, áp dụng hệ thống tự động cảnh báo khí mê tan, xây dựng và phát triển các hệ thống vận tải trong và ngoài mỏ hiện đại. Đến nay, các công ty khai thác hầm lò trong ngành Than đã thay thế gần như hoàn toàn gỗ chống lò bằng các loại cột chống thuỷ lực, giàn chống tự hành... Qua đó, góp phần tăng mức độ đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, tăng hệ số tận thu than, tăng công suất lò chợ, năng suất lao động và sản lượng khai thác. Song song với đó, trong khai thác than lộ thiên, đã giải quyết thành công vấn đề khai thác xuống độ sâu lớn; sử dụng các thiết bị thuỷ lực, thiết bị công suất lớn như máy xúc có dung tích gàu lớn trên 5m3, ô tô tải có tải trọng trên 50 đến 100 tấn. Trong sàng tuyển đã áp dụng nhiều công nghệ mới, giải pháp mới để nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường.
 
Góp phần vào kết quả này phải nhắc tới nhiều sáng kiến, đề tài của các kĩ sư, công nhân của các công ty trực thuộc TKV. Chỉ tính riêng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IV (2012-2013) do UBND tỉnh tổ chức, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn đứng chân trên địa bàn tỉnh đã tham gia 35 sáng kiến, đề tài, và đã có 17 sáng kiến, đề tài đoạt giải. Trong đó, phải kể tới các đơn vị tham gia tích cực hội thi và đoạt nhiều giải như: Công ty CP than Hà Lầm, Công ty than Khe Chàm, Công ty than Hồng Thái, Công ty CP Chế tạo máy...
 
Tính ứng dụng cao

 

Nói về việc triển khai của đơn vị tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2014-2015), ông Trương Ngọc Linh, Phó Giám đốc Công ty CP than Hà Lầm cho biết: Hưởng ứng cuộc thi do tỉnh tổ chức, đơn vị tập trung tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công nhân viên qua các áp phích tuyên truyền và qua hệ thống phát thanh, hệ thống Eoffice nội bộ tới các công trường, phân xưởng trong công ty. Hàng năm, Công ty có khoảng 400 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất, làm lợi trung bình 6 tỷ đồng/năm. Điển hình như sáng kiến nghiên cứu áp dụng vì neo bê tông cốt thép có sử dụng phụ gia đông cứng nhanh vào chống lò đá, thuộc dự án khai thác dưới mức -50. Hiệu quả của sáng kiến là đẩy nhanh tiến độ đào lò, đồng bộ thiết bị cơ giới hoá, làm lợi 32 triệu đồng/mét lò so với phương pháp truyền thống. Hay như sáng kiến đào bunke mức -150 Khu III - Vỉa 10 để chứa than, nhằm phân tải cho hệ thống băng tải mức -150, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng khai thác lò chợ lên 200 tấn/ngày.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hoá các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực để hoàn thành và hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đơn vị thành viên tích cực hưởng ứng tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ V do tỉnh tổ chức. Tập đoàn đã và đang tích cực phối hợp tổ chức quán triệt triển khai hội thi trong các đơn vị ngành Than ở 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí để vận động, hưởng ứng tham gia hội thi. Những năm qua, hội thi đã tạo ra “sân chơi” bổ ích cho hàng vạn cán bộ, CNVC, NLĐ của Tập đoàn, qua đó phát huy tinh thần sáng tạo, học hỏi, giao lưu áp dụng sáng kiến kỹ thuật vào nâng cao hiệu quả sản xuất. Thông qua đây, nhiều sáng kiến, giải pháp đoạt giải đều xuất phát từ thực tế lao động, sản xuất của các đơn vị thành viên, do đó được áp dụng trở lại vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

 

Theo (BQN)

Vinacomin.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang